Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ
Đêm rằm Trung thu (17/9), người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được ngắm siêu Trăng tròn khổng lồ, màu cam cháy tuyệt đẹp.
Tại Việt Nam, siêu trăng với độ tròn tuyệt đối sẽ xuất hiện vào lúc 9h34 phút sáng 18/9. Do đó, trong đêm 17/9, đêm rằm Trung thu và rạng sáng 18/9, người dân và du khách đều có thể ngắm siêu trăng ở trạng thái đẹp nhất.
Vào đêm Trung thu 17/9, siêu trăng sẽ đạt độ tròn khoảng hơn 99%. Người quan sát bằng mắt thường sẽ không thể cảm nhận sự khác biệt với trăng tròn tuyệt đối.
Đặc biệt, đêm Trung thu 17/9 và sáng 18/9 cũng là dịp cuối cùng để người dân và du khách ngắm nhìn siêu trăng màu cam cháy trong năm nay.
Hiện tượng này được gọi là trăng thu hoạch, diễn ra vào kỳ trăng rằm gần nhất với ngày thu phân hàng năm, vốn là thời điểm mà nông dân thường thu hoạch mùa màng.
Trăng thường treo thấp vào mùa hè, dẫn đến việc vào đầu buổi tối, bạn sẽ phải ngắm nó thông qua một lớp khí quyển dày, khiến mặt trăng trông to hơn và cam hơn thường lệ.
Theo trang Time and Date, tại Việt Nam siêu trăng trung thu sẽ đạt độ tròn tuyệt đối vào lúc 9 giờ 34 phút sáng 18/9.
Ngoài ra, hầu hết châu Mỹ, toàn bộ châu Âu, châu Phi và một phần châu Á sẽ có thể quan sát một hiện tượng đặc biệt khác là "nguyệt thực nửa tối", vào thời điểm từ 7 giờ 41 phút đến 11 giờ 47 phút sáng 18/9 theo giờ Việt Nam.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội, mặt trăng sẽ đạt đến pha trăng tròn vào lúc 9 giờ 34 phút ngày 18/9. Cùng lúc đó, vệ tinh này cũng đi qua vị trí gần trái đất nhất trên quỹ đạo địa tâm của mình. Những lần trăng tròn như vậy được gọi là “Siêu trăng”, một thuật ngữ bắt nguồn từ các nhà chiêm tinh vào cuối những năm 1970.
Tuy vậy, nếu có phương tiện quan sát thiên văn hay một chiếc máy ảnh phù hợp để có thể nhìn được các hố va chạm trên thiên thể, người yêu thích thiên văn có thể thấy một chút bóng tối còn phủ lên một số hố nằm ở một bên rìa trái của bán cầu quay về phía trái đất.
Theo NASA, trăng tròn tháng 9 sẽ tiếp tục chuỗi 4 siêu trăng đẹp mắt của năm 2024 (các tháng 8, 9, 10, 11), là khi thời điểm trăng tròn vô tình trùng với thời gian nó ở phần gần với trái đất trên quỹ đạo hình elip, khiến chúng ta có thể thấy thiên thể này to hơn thường lệ.
Chưa kể, một số nơi trên thế giới, vào một số thời điểm nhất định, có thể thấy siêu trăng Trung thu ngả màu cam cháy hoặc hiện tượng nguyệt thực nửa tối.