Đêm thơ Nghệ thuật của Ngày thơ Việt Nam 2023
19 giờ 30 tối 5/2 tại Hoàng thành Thăng Long, đêm thơ Nghệ thuật chính của Ngày thơ Việt Nam 2023 đã diễn ra, với sự tham gia của đông đảo công chúng yêu thơ Hà Nội, sau 3 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19.
Đến dự đêm thơ Nghệ thuật có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, có Chủ tịch Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các Phó Chủ tịch Hội: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương, cùng các nhà văn, nhà thơ, những người yêu thơ.
Phát biểu tại đêm thơ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, từ lúc khởi nguồn, thơ ca Việt Nam chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước: "Ở mỗi thời kỳ từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, là những vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hóa, để xây đắp văn hiến, duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng. Lịch sử cũng cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như chúng ta...Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thiếu của mỗi người Việt Nam".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: "Tôi vui mừng khi nhận thấy, vừa qua phần lớn các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Tôi biết các nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm, phản ánh và chung tay cải thiện hiện thực. Tôi rất xúc động vì nhiều nhà thơ cùng với nhân dân mình, nhà nước mình trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục thiên tai, phòng, chống đại dịch Covid-19".
Đồng chí nhấn mạnh, thực tiễn đòi hỏi nhà thơ cần tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như trong tâm tư của mỗi cá nhân. Khi động cơ sáng tác và tinh thần yêu thương, xây dựng, thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào tác phẩm ấy, vì họ cảm nhận được sự phản ánh, thiện cảm tỏa ra từ trái tim của tác giả.
Phát biểu khai mạc đêm thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO trao Nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhà thơ, nhà văn hóa lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của con người Việt Nam và vinh danh một nền văn hóa độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan tỏa”.
Tôi thấy đây là một khoảnh khắc rất thiêng liêng, khi chúng ta đứng ở nơi này, nói với nhau bằng ngôn ngữ của tình yêu thương. Nếu như mọi người trên hành tinh này, đều nói với nhau bằng ngôn ngữ của thơ ca, của tình yêu, sẽ không có máu chảy, không có chiến tranh, không có những kiếp người bị đày đọa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe dọa và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này.
“Vào thời khắc này, xin các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Trong đêm thơ, khán giả đã được nghe các tác phẩm thơ qua giọng đọc của các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo như NSƯT Tạ Tuấn Minh, nhà báo Hạnh An An, các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương…
Khán giả cũng được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, khi đó ông hành quân theo một trung đoàn xe tăng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Nói về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 sau 3 năm không tổ chức được vì dịch bệnh, nhà thơ cho rằng, sau 21 năm, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội đối với người yêu thơ trong cả nước. Ngày thơ đã được đổi mới, làm sáng tạo hơn, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn đối với người yêu thơ cả nước.
Chia sẻ về hai bài thơ cùng có tên “Về Hương Sơn năm sơ tán ấy”, nhà thơ Bằng Việt, năm nay đã ngoài 80 tuổi, chia sẻ: “Một bài tôi viết về những vấn đề của đời sống sơ tán chung. Bài thứ hai viết riêng cho mẹ tôi. Khi tôi lên thăm mẹ, mẹ chỉ nói một câu là bao nhiêu năm rồi học thiền nhưng không có được một lúc yên tĩnh để thiền. Tôi nói với mẹ là, nếu chiến tranh chưa kết thúc thì không bao giờ thiền được cả. Nếu chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ trở về với vô ngã và vô vi. Hôm nay tôi đọc bài thơ đó để tưởng nhớ những lúc được gặp mẹ”.
Đêm thơ cũng chứng kiến màn trình diễn Thơ Trẻ của các nhà thơ thế hệ hôm nay như Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dem-tho-nghe-thuat-cua-ngay-tho-viet-nam-2023-post737408.html