Đêm thơ Tế Hanh bên 'Dòng sông quê hương'
Tối 20.6, bờ kè sông Trà Bồng ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn chật kín người đến thưởng thức Đêm thơ, nhạc Tế Hanh với chủ đề 'Dòng sông quê hương'. Hiền Linh
Đêm thơ, nhạc trình diễn những tác phẩm tiêu biểu của Tế Hanh qua các thời kì sáng tác. Ảnh: Hiền Linh.
Xã Bình Dương, huyện Bình Sơn trước đây là làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, là nơi cố thi sĩ nổi tiếng của đất Quảng Ngãi ra đời. Làng chài “có con sông xanh biếc, nước bao vây cách biển nửa ngày sông” chính là nơi khởi nguồn cảm xúc cho bài thơ “Nhớ con sông quê hương” đã đi vào kí ức của bao thế hệ bạn đọc.
Nhân kỉ niệm 95 năm ngày sinh của ông (20.6.1921-20.0.2016), Hội VH-NT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức Đêm thơ, nhạc để tôn vinh những đóng góp của ông cho sự nghiệp văn học nước nhà. Càng ý vị hơn khi đêm thơ diễn ra ngoài trời, giữa một đêm hè gió mát, trăng thanh, bên “con sông xanh biếc”.
Sau phần ôn lại tiểu sử của nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Lê Văn Sơn-Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh đã phát họa đôi nét về chỗ đứng của cố thi sĩ trong văn đàn.
Tế Hanh là nhà thơ khá nổi tiếng, sáng tác cùng thời với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, là một trong 3 thi sĩ sinh quán tại Quảng Ngãi nổi danh trước 1945 gồm: Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ, nhà thơ Bích Khê, nhà thơ Tế Hanh.
Trong quá trình sáng tác từ trước 1945 trong phong trào Thơ mới, rất nhiều nhà lý luận, phê bình và nhà thơ có uy tín trên văn đàn đã có những nhận xét sâu sắc về thơ Tế Hanh.
Nhà phê bình Hoài Thanh- Hoài Chân từng viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần linh về cảnh sinh hoạt chốn quê hương, Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, âm thanh như mảnh hồn làng... Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi”.
Còn nhà thơ đồng hương Thanh Thảo thì nói: “Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào thơ mới, thơ Tế Hanh đã là một hiện tượng vì sự mộc mạc, chân thành, vì sự trong trẻo, giản dị như một dòng sông”.
Quả thật Tế Hanh là nhà thơ của dòng sông như chủ đề đêm thơ, nhạc. Xuyên suốt chương trình là 12 sáng tác tiêu biểu trong nhiều giai đoạn sáng tác của ông, được thể hiện dưới hai hình thức ngâm thơ và bài hát phổ nhạc từ thơ.
Từ dòng sông quê hương Trà Bồng, Tế Hanh ra đi để rồi cảm xúc dạt dào khi quê hương xa cách đã nuôi dưỡng hồn thơ ông. Nỗi nhớ tự nhiên, trong trẻo ấy đã được ông ghi lại trong những bài thơ như Quê hương, Nhớ con sông quê hương…
Nhưng thơ Tế Hanh còn gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng, mà hình ảnh đặc trưng là tình yêu lứa đôi quyện vào tình yêu tổ quốc. Khán giả đến xem trình diễn thơ đã gặp lại thứ tình yêu giản dị, thủy chung ấy trong bài thơ Vườn xưa: “Mảnh vừa xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Mà tóc mẹ mỗi ngày mỗi bạc/ Hai ta ở hai đầu công tác/ Có khi nào cùng gặp lại vườn xưa?”.
Tế Hanh cũng không thiếu lãng mạn với những bài thơ thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa như: Hà Nội vắng em, Lời tình, Ngụy biện, Cơn bão… Nhưng ngay cả khi “Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi”, thì “cơn bão” của Tế Hanh cũng không đau đớn, khắc nghiệt mà hiền lành, khắc khoải như chính dòng sông quê hương ông vậy.
Khán giả nhí đến xem trình diễn thơ Tế Hanh. Ảnh: Hiền Linh.
Cứ mỗi khi nghệ sĩ trên sân khấu biểu diễn xong một tác phẩm, những tràng vỗ tay lại vang lên một cách thật tâm và nhiệt thành. Bởi, vượt qua mọi phê bình và kiến giải, thơ Tế Hanh đã làm được một điều mà bất kì nhà thơ, nhà văn hay một người viết nào cũng mong ước: Chạm vào trái tim và tâm hồn của bạn đọc, người tiếp nhận, người thưởng thức. Mà những khán giả đang ngồi đây chính là những người sống bên “con sông quê hương” thuở trước, là phần tiếp nối của “quê hương” đã từng đi vào thơ Tế Hanh.
Tin rằng những vần thơ của ông sẽ còn chảy mãi trong tim của người đọc, bởi ai trong chúng ta cũng có một dòng sông kí ức của riêng mình.