Đểm tin thế giới sáng 23-11-2022: Mỹ và phương Tây quan ngại bước tiến về hạt nhân của Iran
Mỹ và phương Tây quan ngại bước tiến về hạt nhân của Iran; Nga, Mỹ kêu gọi kiềm chế các hành động gây thêm bất ổn tại Syria; Mỹ chuẩn bị giải ngân khoản viện trợ 4,5 tỷ USD dành cho Ukraine; Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông tại Liên bang Nga; Ba nhân viên MINUSMA bị thương trong vụ đánh bom ở Mali; Đức, Pháp, Italy thống nhất kế hoạch phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới... là những thông tin đáng chú ý trong sáng ngày 23-11-2022.
Mỹ và phương Tây quan ngại bước tiến về hạt nhân của Iran
Ngày 22/11, Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại trước những tiến bộ mà Iran đang đạt được trong chương trình hạt nhân và tiềm lực tên lửa đạn đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo, sau khi Tehran tuyên bố bắt đầu làm giàu urani lên mức 60% tại cơ sở hạt nhân thứ hai.
Trước đó, hãng thông tấn ISNA của Iran đưa tin nước này đã bắt đầu sản xuất urani được làm giàu tới 60% lần đầu tiên tại nhà máy Fordow - một diễn biến sau đó được người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami xác nhận. Để chế tạo bom nguyên tử đòi hỏi urani phải được làm giàu tới mức 90%, vì vậy 60% là một bước quan trọng tiến tới mục tiêu làm giàu urani ở cấp độ vũ khí.
Anh, Pháp và Đức cùng ngày ra cũng tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Tuyên bố khẳng định các nước này sẽ tiếp tục tiến hành tham vấn, bên cạnh các đối tác quốc tế, để đưa ra phương án hiệu quả nhất nhằm phản ứng với động thái mới nhất của Iran.
Nga, Mỹ kêu gọi kiềm chế các hành động gây thêm bất ổn tại Syria
Ngày 22-11, Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế những hành động có thể làm xấu đi nghiêm trọng tình hình tại Syria. Lời kêu gọi được Điện Kremlin đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhì Kỳ đã triển khai chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ của lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria và miền Bắc Iraq. Ankara cho rằng các căn cứ trên đang được sử dụng vào các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước này.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này phản đối bất kỳ hành động quân sự nào gây bất ổn tình hình ở Syria. Theo người phát ngôn trên, Washington đã bày tỏ với Ankara sự quan ngại sâu sắc về việc căng thẳng leo thang có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước đó, ngày 20/11, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã thực hiện chiến dịch không kích mang tên Claw-Sword nhằm vào các căn cứ của lực lượng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, và Các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) mà Ankara cho là một nhánh mở rộng của PKK. Chiến dịch này được thực hiện sau khi xảy ra vụ đánh bom ở Istanbul ngày 12/11 khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc thủ phạm vụ đánh bom là PKK. Tuy nhiên, PKK đã phủ nhận liên quan tới vụ tấn công trên.
Mỹ chuẩn bị giải ngân khoản viện trợ 4,5 tỷ USD dành cho Ukraine
Bộ trưởng Tài chính MỹJanet Yellen ngày 22/11 công bố quá trình giải ngân khoản viện trợ kinh tế trị giá 4,5 tỷ USD dành cho Ukraine sẽ bắt đầu được thực hiện trong những tuần tới. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Yellen chỉ rõ khoản kinh phí nêu trên, được Quốc hội nước này phê duyệt hôm 29/9 vừa qua trong một phần của dự luật tài trợ cho Chính phủ Ukraine, nhằm mục đích giúp Kiev giữ ổn định nền tài chính của đất nước, cũng như duy trì hoạt động của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ cho người dân Ukraine.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 8/8 thông báo Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp khoản hỗ trợ ngân sách 4,5 tỷ USD cho Ukraine. Theo WB, số tiền này sẽ giúp Kiev chi trả cho các dịch vụ và lương hưu - những lĩnh vực quan trọng giúp giảm bớt tác động kinh tế từ cuộc xung đột. Các nguồn tin xác nhận số tiền 4,5 tỷ USD sẽ được Cơ quan Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển tới Ukraine.
Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông tại Liên bang Nga
Ngày 22/11, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế” do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ Quốc tế “Con đường Hòa bình” của Liên bang Nga và Trung tâm “Luật Hòa bình” phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về luật, chuyên gia về Biển Đông của Liên bang Nga, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Đoàn Hội Luật gia Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trần Công Phàn dẫn đầu.
Hội thảo chia làm hai phần, phiên đầu cập nhật những diễn biến mới nhất ở Biển Đông bao gồm các động thái pháp lý, đối ngoại và thực địa tại Biển Đông trong giai đoạn 2019-2021, sự điều chỉnh chính sách của các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua, cũng như những sự kiện và thay đổi trong môi trường quốc tế có liên quan. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thú vị, đặc biệt trong số này có tham luận của Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm ASEAN, Australia và châu Đại dương với những nhận xét sắc sảo về các tranh chấp tại Biển Đông trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Phiên thứ hai chủ yếu tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực để hỗ trợ giải quyết tranh chấp và tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Ba nhân viên MINUSMA bị thương trong vụ đánh bom ở Mali
Ngày 22/11, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) xác nhận 3 binh sỹ của lực lượng này đã bị thương ở miền Bắc quốc gia Tây Phi do một quả bom phát nổ trên đường cao tốc.
MINUSMA được thành lập vào năm 2013, sau khi miền Bắc của Mali bị tàn phá do cuộc nổi loạn của các chiến binh thánh chiến trong khu vực. Xung đột sau đó đã lan đến miền Trung Mali, gây ra tình trạng chia rẽ sắc tộc kéo dài. Những cuộc giao tranh đã khiến hàng nghìn dân thường, chiến binh, quân đội và cảnh sát thiệt mạng, cùng hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
MINUSMA là một trong những phái bộ gìn giữ hòa bình lớn nhất và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất trên thế giới. Tổng cộng, 181 nhân viên của MINUSMA đã thiệt mạng do những hành động thù địch, trong đó có 76 người là nạn nhân của các thiết bị nổ tự chế (IED).
Đức, Pháp, Italy thống nhất kế hoạch phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới
Pháp và Italy ngày 22/11 đã nhất trí với kế hoạch phát triển các hệ thống tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane 6 và Vega-C. Ba quốc gia trên tái khẳng định sẽ dành ưu tiên cho công tác phát triển tên lửa đẩy của “lục địa già,” sau khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) buộc phải tiến hành đàm phán với tỷ phú Elon Musk - ông chủ Tập đoàn SpaceX của Mỹ - hồi tháng 8 vừa qua để thực hiện 2 sứ mệnh khoa học trong tương lai.
Dự kiến, Bộ trưởng phụ trách nghiên cứu không gian vũ trụ của 22 quốc gia thành viên ESA, đang nhóm họp tại Paris trong 2 ngày 22 và 23/11, sẽ quyết định nguồn tài chính dành cho cơ quan này trong 3 năm tới.
Hiện nay, kế hoạch ngân sách trị giá 3,2 tỷ euro (3,3 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và trình làng các tên lửa đẩy của châu Âu được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự. Trong khi đó, ESA đang đề nghị các quốc gia thành viên đóng góp 18,5 tỷ euro để tài trợ cho những chương trình nghiên cứu không gian trong 3 năm tới, tăng hơn 25% so với số tiền trước đó.
Ariane 6 dự kiến được phóng lần đầu tiên vào năm 2020, nhưng kế hoạch ra mắt đã bị đẩy sang cuối năm 2023.