Đến 2025, khó xóa hết toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt
TCT Đường sắt VN cho rằng khó xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt khi chưa được ưu tiên bố trí vốn thực hiện theo lộ trình.
Tồn tại hơn 3.500 lối đi tự mở, hơn 17.000 điểm vi phạm đất đường sắt
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tính đến hết tháng 2/2023, trên toàn mạng lưới đường sắt vẫn tồn tại hơn 3.500 vị trí, chiếm tỉ lệ 69,9% tổng số giao cắt đường sắt - đường bộ và hơn 17.000 vị trí vi phạm đất đường sắt.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, con số này đã là giảm thiểu sau nhiều nỗ lực xóa bỏ lối đi tự mở, xử lý các vi phạm đất đường sắt, hành lang, công trình hạ tầng đường sắt của các cấp, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự ATGT đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt ban hành kèm theo Quyết định số 358 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đa số các lối đi tự mở nguy hiểm đã được áp dụng các biện pháp trước mắt để đảm bảo ATGT đường sắt như: cắm biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”, thu nhỏ chiều rộng lối đi, tổ chức cảnh giới ATGT. Đặc biệt đã rào đóng, xóa bỏ 521 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm so với thời điểm ban hành Quyết định số 358, mà không phải xây dựng công trình phụ trợ cầu vượt, hầm chui.
Một số địa phương cũng đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, duy trì cảnh giới ATGT, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.
Điển hình như TP Hà Nội xây dựng 925m hàng rào đường gom, đã giảm, xóa bỏ được 9 lối đi tự mở nguy hiểm trên địa bàn. Cùng đó 13 tỉnh/thành phố đã chủ trì rào đóng, xóa bỏ lối đi tự mở nguy hiểm trên địa bàn; 24 tỉnh/thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí, duy trì cảnh giới ATGT tại các lối đi tự mở nguy hiểm.
Khó hoàn thành tiến độ đến hết năm 2025 xóa hết lối đi tự mở
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt VN nhận định, xóa lối đi tự mở là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tốn kém, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và quyền lợi của người dân. Để đạt tiến độ đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở là khó khả thi.
Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, số lượng lối đi tự mở và các vi phạm đất đường sắt còn tồn tại lớn. Trong khi, tiến độ lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở còn chậm, hiện vẫn còn 2/34 tỉnh và 1 doanh nghiệp chưa phê duyệt kế hoạch là: Bình Dương, Lâm Đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN.
Mặt khác, nhiều địa phương chưa ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở theo yêu cầu của Quyết định số 358. Nguồn ngân sách của Trung ương giao cho địa phương để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom... cũng chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình.
Chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự chủ động, quan tâm thực hiện trách nhiệm bảo vệ đất dành cho đường sắt theo quy định. Do vậy, các vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt đang có nguy cơ lan rộng tại một số địa phương nơi có đường sắt đi qua. Điển hình như: UBND phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; UBND các xã: Tam Anh Nam, Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; UBND các xã: Suối Cao, Xuân Thọ thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; UBND các xã: Suối Kiết, Hàm Hiệp thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận...
Vì vậy, để đảm bảo triển khai thực hiện theo lộ trình tại Quyết định số 358, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN bố trí nguồn kinh phí thực hiện Quyết định; bố trí nguồn kinh phí cắm mốc giới đất dành cho đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt.
“Địa phương cần bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định số 358; giải tỏa vi phạm phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân dọc hai bên đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu đường sắt, đề nghị cấp ngoài phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT”, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị.