Đến 2030, kinh tế số của Đà Nẵng chiếm tối thiểu 30% GRDP
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có gần 9.000 doanh nghiệp công nghệ số, 115.000 nhân lực công nghệ, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP TP
Những kết quả đáng ghi nhận
Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp CNTT của Đà Nẵng đã có những bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng, với mức tăng trung bình 11%/năm. Riêng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 15%/năm, trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất;
Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT Đà Nẵng năm 2022 đạt 34.293 tỉ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT năm 2022 đạt 20.920 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành đạt 9.079,3 tỉ đồng, mở rộng gần 859,7 tỉ đồng so với năm 2021, chiếm 7,2% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế.
Khu công viên phần mềm số 2 của TP Đà Nẵng
Tính đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước); các doanh nghiệp CNTT và các khu CNTT TP hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế vi mạch, sản xuất phần cứng, thiết kế và sản xuất game, gia công phần mềm – ITO, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Về nhân lực, tính đến hết năm 2022, Đà Nẵng có 47.500 nhân lực CNTT, trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng; chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn TP.
Đến 2030, kinh tế số chiếm 1/3 tỷ trọng GRDP TP
Theo định hướng phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2030 của Đà Nẵng, địa phương này sẽ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ, đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân.
Đến năm 2030, Đà Nẵng đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm.
Đặc biệt, đến năm 2025, kinh tế số của Đà Nẵng sẽ đóng góp tối thiểu 20% GRDP địa phương, trong đó công nghiệp CNTT-TT chiếm tối thiểu 10% GRDP TP. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP địa phương, trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP TP.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Đà Nẵng có ít nhất 7 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm; hình thành trạm cáp quang ven biển thứ 2 của TP Đà Nẵng để bảo đảm hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư kết nối tuyến cáp quang biển đi quốc tế; 100% các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn TP tiếp cận về hạ tầng để triển khai ứng dụng IoT; phủ sóng 5G tối thiểu 50% diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn;
Ngoài ra, đến năm 2030, Đà Nẵng bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 với ít nhất có 5 trung tâm dữ liệu, quy mô trên 500 rack.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông các chính sách hiện hành của địa phương về phát triển công nghiệp CNTT và hình ảnh ngành công nghiệp CNTT của TP; tổ chức, tham gia thường niên các sự kiện, cuộc thi về CNTT, an toàn thông tin như Devday, Hackathon, ICPC...; tổ chức gặp mặt hằng năm giữa lãnh đạo TP với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo CNTT để đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo CNTT.
Ứng dụng DaNang Smart City đang được Đà Nẵng tích hợp chức năng đa nhiệm
Về cơ chế, chính sách, Đà Nẵng sẽ tham mưu xây dựng quy chế hoặc quy định về quản lý nhà nước các Khu CNTT tập trung trên địa bàn; nghiên cứu áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đối với các Khu CNTT tập trung trên địa bàn; xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm trên địa bàn...
Song song với đó, Đà Nẵng cũng tập trung xây dựng nền tảng để phát triển trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các khu CNTT, công viên phần mềm đã được quy hoạch trên địa bàn vào hoạt động gồm: Khu Công viên phần mềm số 2, Khu không gian đổi mới sáng tạo Hòa Xuân, Khu CNTT Đà Nẵng Bay, Tòa nhà Công nghệ cao Viettel Đà Nẵng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp CNTT cũng như chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu CNTT, nhưng chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu CNTT tập trung vẫn chưa được thực hiện, doanh nghiệp vẫn chưa được áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật.
Các văn bản pháp luật ban hành trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số/thông minh đang trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số.
Việc triển khai chuyển đổi số, TP thông minh là để giải quyết các “bài toán” cần áp dụng một số mô hình, quy định mới, chưa có quy định và tiền lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo chủ trương của Bộ Chính trị chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ để làm căn cứ cho các địa phương triển khai.
Cổng dữ liệu mở TP Đà Nẵng
Bên cạnh đó, các khu CNTT, công viên phần mềm chưa thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn CNTT quốc tế quy mô lớn, chưa có đầu tư hạ tầng lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao, chưa hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm (như về tính toán lượng tử, điện từ trường,...) để thu hút các dự án nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc.
Về nhân lực, Đà Nẵng đang thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, TP thông minh, an toàn, an ninh thông tin... Đặc biệt, nhân lực CNTT cho các vị trí lãnh đạo đang khan hiếm trong khi nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng này rất cao dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thiếu nhân sự giỏi và gắn kết lâu dài.
Trong tiến trình chuyển đổi số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng đáng ghi nhận:
Năm 2020, Đà Nẵng đã đạt được giải thưởng: Hạ tầng số thông minh (bao gồm cả dữ liệu số), Dịch vụ công thông minh; là đơn vị 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index);
Năm 2021-2022, Đà Nẵng xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin và thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử; năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) đạt Giải thưởng TP thông minh Việt Nam (giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho các thành phố/đô thị); năm thứ hai liên tiếp (2021-2022) xếp Nhất khối các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số , Kinh tế số và Xã hội số.
Các kết quả này góp phần tạo nên doanh thu ngành TT&TT từ năm 2016 đến năm 2022 từ 19.913 tỉ đồng tăng lên thành 34.293 tỉ đồng, trong đó doanh thu công nghiệp CNTT từ 13.034 tỉ đồng lên 20.920 tỉ đồng.