Đến bao giờ… không còn chó thả rông cắn người?
Nhiều vụ chó thả rông cắn người xảy ra nhiều nơi trong tỉnh; thậm chí dẫn đến tử vong sau vài ngày bị cắn. Điều này làm cho người dân mang nỗi nơm nớp lo sợ khi thấy chó thả rông.
Vô tư thả rông chó
Bà Trần Thị Thanh (Phú Trinh, Phan Thiết) cho biết: Ra đường là thấy chó thả rông, không rọ mõm trên đường phố, trong khu dân cư. Thậm chí là rượt đuổi và cắn người đi đường. Khi chó cắn như vậy, người bị cắn không thể biết được động vật đã được tiêm phòng hay chưa hoặc theo dõi dấu hiệu bệnh dại. Tôi đã từng bị chó thả rông cắn, đi tiêm vắc xin phòng dại ngay và tự chịu chi phí này. Bởi không biết chó cắn là của nhà ai.
Các biện pháp phòng bệnh dại (ảnh minh họa).
Tương tự, chị Lê Thanh Mai (Phú Tài, Phan Thiết) cũng bị chó thả rông cắn. Chị Thanh Mai bức xúc và nói: Tại sao các cơ quan không có biện pháp chế tài với những nhà nuôi chó thả rông - cắn người đi đường? Khi con trai tôi đi ngoài đường, chó từ trong nhà xông ra cắn. Sau khi đưa con đi tiêm vắc xin phòng dại, tôi mang giấy tờ tiêm đến yêu cầu chủ nuôi chó trả tiền tiêm lại. Tuy nhiên, chủ nuôi chó vẫn dửng dưng nói một cách thiếu trách nhiệm: “Chó nhà tiêm phòng dại, mắc gì tiêm vắc xin phòng dại cho người nữa? Học sinh mà bị chó cắn, có bảo hiểm trả. Sao còn tới đây đòi tiền, làm tiền hả?”. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp bị chó thả rông cắn mà không tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại dẫn đến tử vong. Bằng chứng, Bình Thuận ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 2 tháng gần đây của năm 2024, xảy ra tại Hàm Tân 1 ca, La Gi 1 ca và Hàm Thuận Nam 1 ca.
Làm rốt ráo, xử lý quyết liệt
Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nguyên nhân tử vong là do 100% những người bị chó cắn chủ quan. Không tiêm ngừa vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại, chủ yếu là người dân nghèo, đồng bào dân tộc. Địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo, chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Đồng thời, ý thức người nuôi chó, mèo chưa được nâng lên.
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/ NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn, phạt tiền 1 - 2 triệu đồng với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Ngoài thả rông để chó cắn người đi đường, không tiêm phòng dại cho chó, người nuôi còn thả chó đi phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Với hành vi vi phạm này, người nuôi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Dư luận xã hội cho rằng: Dẫu các văn bản quy định rất rõ ràng về trách nhiệm người nuôi chó, mèo (động vật), hành vi vi phạm, nhưng người nuôi chó mèo vẫn vi phạm và chưa hề bị phạt theo quy định. Hơn thế nữa, rộ lên “phong trào” nuôi chó cưng thả rông, phóng uế bừa bãi, rượt cắn người đi đường. Điều này làm cho người dân mang nỗi nơm nớp lo sợ khi thấy chó thả rông. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan phải làm rốt ráo, xử lý quyết liệt người vi phạm.
Còn vướng mắc
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kinh phí thực hiện trong công tác phòng, chống bệnh dại chưa thực sự quan tâm. Các hoạt động triển khai chủ yếu là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ tuyến trên. Các địa phương không có chuyên trách thú y phụ trách và các hoạt động của thú y hoạt động theo hướng kiêm nhiệm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y trước khi giao các trạm thú y cho Ủy ban nhân dân (UBND) các địa phương, viên chức cấp huyện và mạng lưới thú y cấp xã, hàng năm, được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn và pháp luật có liên quan nên việc thực thi nhiệm vụ ở cơ sở và tuyên truyền đến người chăn nuôi rất thuận lợi. Chi cục có thể chỉ đạo trực tiếp hay xin ý kiến cấp có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.
Sau khi giao các trạm thú y cho UBND các địa phương, kể từ tháng 1/2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch bệnh động vật, công tác kiểm dịch động vật kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, số lượng biên chế hiện chưa đủ để bố trí theo yêu cầu nhiệm vụ. Nhân viên thú y xã không có trong danh mục các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Trước những khó khăn trong thực tiễn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện theo Kế hoạch số 2397/KH-UBND ngày 2/7/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về triển khai thực hiện đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”, với nội dung thành lập trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Một khi nhân lực, thiết bị và các nguồn lực khác được tăng cường, thì việc kiểm soát dịch bệnh động vật, phòng, chống dịch bệnh động vật, những bệnh động vật lây qua người tốt hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, người dân bị chó, mèo cào, cắn thì đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không chữa trị theo phương pháp dân gian như lấy nọc, đắp cây lá…