Đến bao giờ người dân Bắc Kạn mới được chi trả tiền khoán chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2021?

Ngày 06/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đầu tiên đối với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội chất vấn đối với các lĩnh vực như: Kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng. Buổi chiều, Quốc hội chất vấn đối với các lĩnh vực: Công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn nêu: “Năm 2021 nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện (với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng). Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc chậm chi trả và đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc và bảo vệ rừng”.Đại biểu cũng đồng thời gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300.000 đến 400.000 đồng/ha/năm. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh định mức này còn thấp. Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một nghị định để nâng mức từ 400.000 lên đến 600.000 đồng/ha/năm. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ khoán bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

Về vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng của tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Sau khi có chủ trương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 vẫn tiến hành cấp ngân sách cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Khi triển khai khởi động Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do công tác tổng hợp không kịp thời nên hiện tại đang nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng của đồng bào năm 2021. Với trách nhiệm là Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm và sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này.

Có cùng quan tâm đến vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đã tranh luận nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng, không chỉ riêng Bắc Kạn mà diễn ra ở tất cả các tỉnh có rừng. Công tác bảo vệ rừng của người dân cần được nhanh chóng giải quyết và kể cả việc chuyển nguồn để thực hiện nhiệm vụ này. Bởi chúng ta thực hiện Nghị quyết 100 về chương trình 5 triệu héc-ta rừng thì tiền bảo vệ rừng được tính và ghi là vốn sự nghiệp và chi thường xuyên hằng năm. Nhưng hiện nay chúng ta lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc, phải trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục. Như vậy là không cần thiết, mà lúc đấy thì các địa phương thiếu nguồn để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, vấn đề định mức, trong rất nhiều các nghị quyết của Đảng đã ghi là phải có chính sách để người dân sống được và bảo vệ rừng được. Kết luận 65 của Bộ Chính trị triển khai Nghị quyết 24 về công tác dân tộc cũng chỉ rõ là phải xây dựng chính sách để đổi mới công tác bảo vệ rừng, nâng định mức rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến hiện nay, việc sửa Nghị định 75 còn rất chậm, dẫn đến câu chuyện nguồn vốn hiện nay cũng không được thống nhất, chỗ thì lấy từ tiền khoán bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, chỗ thì bố trí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và một số từ phần hành chính sự nghiệp bên ngoài. Trước bất cập trên, cần phải đưa thành nguồn vốn sự nghiệp, về định mức cũng phải nâng lên.

Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong phiên họp sáng 07/11, Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề trên. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán./.

Ái Vân (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/den-bao-gio-nguoi-dan-bac-kan-moi-duoc-chi-tra-tien-khoan-cham-soc-va-bao-ve-rung-nam-2021-post57612.html