Từ TP. Quy Nhơn (Bình Định), đi theo quốc lộ 19 về hướng tây bắc khoảng 45km, qua cây cầu Kiên Mỹ bắc ngang qua dòng sông Côn thơ mộng, quần thể di tích Bảo tàng Quang Trung hiện ra trước mắt du khách.
Đây là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng, gắn liền với khởi nghĩa Tây Sơn, một trong những cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc thành công nhất ở nước ta.
Để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử một thời đáng nhớ, Bảo tàng Quang Trung được xây dựng ngay tại chính quê hương của người anh hùng dân tộc.
Bảo tàng Quang Trung cũng là một trong những bảo tàng Danh nhân lớn nhất và thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất trong cả nước.
Bảo tàng Quang Trung tọa lạc trong một khuôn viên rộng 150.000m², bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên...
Nhà trưng bày có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính với hệ thống mái lợp ngói âm dương tráng men mang dáng dấp mái đình, chùa Việt Nam vào thế kỷ 18.
Khu vực bảo tàng được thiết kế với cấu trúc 9 phòng trưng bày lưu giữ khoảng trên 11.000 hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn.
Nơi đây sở hữu một kho tư liệu, hiện vật phong phú về thời đại lẫy lừng của vị vua kiệt xuất Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Tham quan bảo tàng, du khách sẽ được nghe giới thiệu một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về nhà Tây Sơn, được nhìn ngắm sắc phục của các quan văn, quan võ thời xưa lưu giữ lại.
Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng các loại binh khí đã cùng với nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng 20 vạn quân Thanh và nhiều chiến công hiển hách khác.
Đây cũng là nơi thể hiện rõ nhất những dấu ấn thời Tây Sơn còn sót lại trên mảnh đất Bình Định.
Nằm bên phải bảo tàng là ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh em nhà Tây Sơn nay là Khu đền thờ Tây Sơn tam kiệt, nơi đây thờ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn.
Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn).
Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m. Nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng.
Vào năm 1979, Khu Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, giếng nước và cây me tại bảo tàng vinh dự được xếp dạng di tích Quốc gia.
Mời độc giả xem thêm video Kỳ quặc bảo tàng lưu giữ tóc của hơn 16.000 phụ nữ khắp thế giới:
Bình Minh