Đền bù đất không chỉ theo giá thị trường
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước muốn thu hồi đất của dân phải đền bù theo giá thị trường; nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần đền bù cả những giá trị tinh thần gắn liền với đất của người dân.
Phải tính đủ cả giá trị tinh thần
Thảo luận tại tổ sáng 9/6 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) quan tâm đến vấn đề đền bù, hỗ trợ người dân sau khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, quốc gia công cộng.
Theo ông Hiếu, chúng ta phải thống nhất quan điểm thế nào là bồi thường, thế nào là hỗ trợ. Bồi thường là đền bù tất cả những gì người dân bị thiệt hại do quá trình thu hồi đất còn hỗ trợ là bên ngoài bồi thường, thể hiện chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, để người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất.
"Ví dụ người dân mất sinh kế thì Nhà nước đền bù tiền hoặc tạo sinh kế mới, đó không phải hỗ trợ mà là trách nhiệm phải bồi thường", ông Hiếu nói và đề nghị, cần sử dụng nhiều hơn nữa công cụ thị trường trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Vị đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, đền bù đất theo nguyên tắc thị trường, sao cho giá đền bù sát với giá thị trường thì đúng rồi; nhưng bên cạnh đó cần đền bù cả những thiệt hại tinh thần ví dụ như sinh kế, giá trị thu nhập trong tương lai bị mất đi khi mảnh đất đang gắn với sinh kế bị thu hồi...
"Tôi đề nghị ban soạn thảo rà soát lại tất cả những gì người dân bị thiệt hại do thu hồi đất để tiến hành bồi thường. Bồi thường phải dựa trên nguyên tắc thỏa đáng, chứ không phải thỏa mãn", đại biểu đoàn Thái Bình nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta bắt đầu tiếp cận theo hướng giá thị trường nhưng chuyện thu hồi đất không phải cứ theo giá thị trường mà giải quyết được.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ sáng 9/6 (Ảnh: M.M)
Ví dụ, đất ruộng bà con chuyển nhượng qua lại 500 nghìn đồng/m2 đất, Nhà nước đền bù 600 nghìn đồng/m2, nghĩ như vậy đã là tốt rồi nhưng thực tế nhà, đất còn liên quan nhiều yếu tố về dòng tộc, tâm linh, kỷ niệm...
Chưa kể, đối với bà con dân tộc thiểu số vấn đề này còn hệ trọng hơn. Đối với họ, nghĩa địa trong rừng là vùng đất thiêng, khi tách họ ra khỏi các yếu tố tinh thần đó thì phải tính tất cả những yếu tố này.
"Bộ luật Dân sự có quy định bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần; cho nên, cũng phải tính đến chuyện đền bù tinh thần trong việc người dân phải di dời nhà cửa, rời nơi thân thiết đã gắn bó lâu năm", ông Nghĩa đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề nghị, trong bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất, cần thực hiện có hiệu quả về đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, đảm bảo cuộc sống tốt hơn. "Đề nghị đào tạo chuyển đổi nghề trước khi thu hồi đất", bà Lan lưu ý.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu gợi ý, thay vì Nhà nước tổ chức đào tạo nghề cho người dân bị mất sinh kế sau thu hồi đất thì có thể cấp kinh phí để họ tự đào tạo tại các trường nghề, vừa hiệu quả lại vừa kinh tế hơn.
Xác định đúng đối tượng để đền bù
Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị trong quy định các đối tượng đền bù, hỗ trợ sau thu hồi đất cần xác định đúng đối tượng.
Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang)
Ví dụ như, hiện dự thảo Luật quy định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không bao gồm các đối tượng hưởng lương ngân sách, bà Mai cho rằng quy định này là không phù hợp.
Vì ở nông thôn nhiều gia đình cán bộ, công chức viên chức, nhất là cán bộ cấp xã và giáo viên vẫn có đất nông nghiệp và lâm nghiệp để sản xuất, thậm chí đó là nguồn thu nhập chính của gia đình họ.
Từ đó, bà Mai đề nghị mở rộng đối tượng sản xuất nông lâm nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối, không loại trừ đối tượng hưởng lương ngân sách Nhà nước.
Cũng thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Kiên Giang) giải thích, nhiều cán bộ hưởng lương ngân sách ở địa phương có quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp do ông bà, cha mẹ để lại, họ vẫn có thể sử dụng, thường họ làm việc nông nghiệp ngoài giờ công vụ, vào ngày nghỉ hoặc thuê người làm.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Kiên Giang)
Nếu loại đối tượng này ra khỏi đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì họ sẽ không được hưởng đủ chính sách khi Nhà nước thu hồi đất, như vậy là không đảm bảo công bằng hợp lý. Từ đó, đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Đảm bảo công bằng xã hội trong việc thu hồi đất
Nói về thu hồi đất theo giá thị trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn nếu có hiện tượng đẩy giá đất lên, gọi đó là giá thị trường thì Nhà nước đền bù thế nào? Theo vị đại biểu, thực tế có những căn biệt thự xây tại những vùng đất chỉ có giá trị để ở chứ không có tiềm năng kinh doanh nhưng giá vẫn bị thổi lên đến vài chục tỷ đồng, thì Nhà nước không thể đủ tiền để đền bù theo "giá thị trường" thế được.
Từ đó, đại biểu đề nghị theo giá thị trường nhưng vẫn phải quy định giá tối thiểu (giá sàn) và giá tối đa (giá trần) trong 6 tháng hoặc 1 năm, khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng an ninh hoặc lợi ích quốc gia công cộng.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực tế thời gian qua, có các dự án thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công cộng, nhưng một thời gian sau chưa triển khai dự án thì lại thay đổi mục đích sử dụng đất.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh)
“Có thực trạng thu hồi đất để xây dựng khu vui chơi giải trí nhưng vì lý do nào đó lại chuyển sang thành trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở, dẫn đến sự chênh lệch địa tô rất lớn. Nhà thương mại cuối cùng bán với giá rất cao, trong khi đó, giá đền bù cho những người dân bị thu hồi đất rất thấp. Chính vì thế, dẫn đến tranh chấp đất đai và khiếu kiện kéo dài”, đại biểu cho hay.
Để khắc phục, trong dự thảo Luật, ông Đức cho rằng vấn đề này cần phải được “trói” bằng một quy định rất rõ tại Điều 12, đó là các hành vi bị cấm. Trong đó, phải quy định rõ thu hồi đất với mục đích quốc phòng, an ninh thì nghiêm cấm không được chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất khác.
So với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân (từ 3/1 đến 15/3/20230, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở lần trình này gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều .
Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được thảo luận ở hội trường trong cả ngày 21/6 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023.