Đền, chùa Cao Báng – Một điểm đến hấp dẫn ở Phú Bình

Đây là một trong những khu di tích mới được phát hiện ở huyện Phú Bình, chưa nhiều người biết đến. Di tích nằm ở xóm Bờ La, xã Tân Kim, nhân dân thường gọi là Núi Chùa Cao Báng...

Đây là một trong những khu di tích mới được phát hiện ở huyện Phú Bình, chưa nhiều người biết đến. Di tích nằm ở xóm Bờ La, xã Tân Kim, nhân dân thường gọi là núi chùa Cao Báng, cách trung tâm huyện Phú Bình 7km, cách trung xã Tân Kim 4km, cách trung tâm TP. Thái Nguyên khoảng 35km về phía Đông Nam.

Giếng Cô Tiên trên núi chùa Cao Báng.

Giếng Cô Tiên trên núi chùa Cao Báng.

Đền và chùa Cao Báng đều nằm ở trên núi. Núi Cao Báng có độ cao 257m so với mực nước biển, là điểm cao nhất của huyện Phú Bình. Núi đất xen đá, nhấp nhô trùng điệp, đột khởi giữa khu vực đồng bằng của xã Tân Kim. Núi gồm nhiều ngọn, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và bí ẩn.

Đứng trên ngọn núi Cao Báng có thể nhìn ra xung quanh thấy toàn cảnh huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên, huyện Phú Bình và một phần huyện Yên Thế (Bắc Giang).

Địa hình, phong cảnh núi non Cao Báng rất hùng vĩ và cuốn hút. Đường từ chân núi lên đất đá mấp mô, có đoạn dốc thẳng đứng nhưng thú vị, thu hút nhiều khách du lịch đến leo núi, khám phá thiên nhiên.

Đoạn từ chân núi đi lên còn có giếng Cô Tiên. Đây là chiếc giếng có nguồn nước chảy tự nhiên từ trong lòng núi ra, nước trong mát, ngọt, giếng Cô Tiên nông nước, nên có thể nhìn thấu tận đáy. Giếng Cô Tiên là điểm dừng đầu tiên của khách đến tham quan chùa Cao Báng.

Từ giếng Cô Tiên lên tới đền Hạ khoảng 1.600m. Tại điểm dừng chân này, du khách có thể nghỉ ngơi sau thời gian leo núi, chiêm ngưỡng cảnh quan rừng núi, thư giãn, hưởng không khí mát mẻ của gió núi, hương rừng trong lành, thoải mái.

Từ đền Hạ đi ngược dốc thoai thoải lên địa điểm đền Trung, điểm cuối là chùa Thượng - điểm cao nhất trong các di tích.

Trải nghiệm leo núi chùa Cao Báng.

Trải nghiệm leo núi chùa Cao Báng.

Kết quả khảo sát cho thấy, mặt bằng có 3 ngọn núi cao theo kiểu tam cấp, thấp dần. Ngôi chùa cổ được người xưa xây dựng từ lâu đời không ai còn nhớ. Tại vị trí di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như Cây hương đá dạng bia đá được tạo hình như một cây cột trụ trời, tạo dáng mỹ thuật chau chuốt cao 1,3m, trên đỉnh tạc bát hương hình tròn, đế hình vuông, thân có 4 cạnh khắc chữ Hán Nôm. Nội dung ghi lại họ tên của một số cá nhân ở huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, phủ Hạ Hồng, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương, đã công đức xây dựng chùa, văn bia có niên đại thời Lê Bảo Thái năm thứ 3 (1722).

Trên mặt nền của ngôi chùa xưa có dấu tích của các nền chùa qua các vật liệu được sử dụng làm chùa, bằng đá như: Cột đá, chân kê bằng đá được đẽo gọt sử dụng làm đền và chùa xưa.

Hiện tại, đền Hạ, chùa Thượng trên núi Cao Báng được nhân dân địa phương xây dựng tạm các công trình nhỏ để làm nơi mọi người thăm viếng lễ thần, Phật, Mẫu, là không gian thư giãn, nghỉ dưỡng lý thú.

Ngày 23/11/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 3669/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đền và chùa Cao Báng, xã Tân Kim, huyện Phú Bình.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202311/den-chua-cao-bang-mot-diem-den-hap-dan-o-phu-binh-6290afe/