Đến gần hơn với công chúng
Bốn đêm công diễn vở nhạc kịch 'Những người khốn khổ' của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua đều 'cháy' vé. Trước đó, vở ballet 'Hồ thiên nga' đã tạo nên 'cơn địa chấn' trong đời sống nghệ thuật, với bảy đêm diễn chật kín khán giả… Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển của thế giới được các nghệ sĩ trong nước dàn dựng và biểu diễn đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Nghệ thuật hàn lâm sau quãng dài “ngủ đông”, nay đang dần được “đánh thức”. Thành công này đạt được chính là nhờ các đơn vị nghệ thuật đã có bước chuyển mình tích cực; các vở diễn, đêm nhạc đang hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Đặc biệt, giới nghề đã nỗ lực đầu tư công sức, nguồn lực, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để từng bước chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật. Thực tế cho thấy, có những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu, huy động đến 120 nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng, với thời gian tập luyện lên tới nhiều tháng, thậm chí là cả năm, sau khi được công diễn đã chạm dần đến trái tim, đánh thức tâm hồn yêu nghệ thuật của khán giả.
Những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng được thưởng thức những tác phẩm thực sự có chất lượng. Do đó, việc duy trì, phổ biến nhiều hơn các tác phẩm này là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, thực hiện được việc làm trên không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải bảo đảm nguồn nhân lực, trí tuệ và tài lực... Vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó là có chính sách phát triển chuyên môn, đầu tư về vật chất và sự đãi ngộ cho những nghệ sĩ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm; tạo điều kiện cho họ có được “đất diễn”, không gian và môi trường hoạt động nghệ thuật nghiêm túc...
Khán giả là một mắt xích quan trọng tạo nên thành công của các chương trình. Do đó, việc tạo dựng những lớp khán giả tương lai cần được chú trọng thông qua việc đưa nghệ thuật vào học đường một cách hợp lý. Cần cung cấp kiến thức nghệ thuật để giúp học sinh biết đâu là giá trị nghệ thuật hàn lâm đích thực, đâu là thị hiếu tầm thường cần tránh, từ đó góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho các em.
Về phía các đơn vị nghệ thuật, trước khi công diễn cũng nên có kế hoạch truyền thông, quảng bá mạnh mẽ để thu hút công chúng. Cùng với đó là tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng để có đội ngũ nghệ sĩ tài năng; chú trọng liên kết với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn tài trợ dàn dựng tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, cũng như mời đạo diễn, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam tập huấn, nâng cao trình độ cho các nghệ sĩ… Đối với người làm nghệ thuật cũng phải luôn nuôi dưỡng đam mê, không ngừng học tập, rèn luyện, tăng tính chuyên nghiệp và đặc biệt là luôn có sự đổi mới, sáng tạo, xây dựng được phong cách riêng…
Với nhiệt huyết, đam mê của những người làm nghề, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm chất lượng tiếp tục được giới thiệu tới khán giả, góp phần thiết thực đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.