Ngày 30/1, tại khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã trang trọng diễn ra lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020.
Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Đền thờ hai vị anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc.
Trong số hơn 100 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh và thành phố trên cả nước, đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây là quê hương, nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng từ thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.
Tòa Tam chính diện đền thờ Hai Bà Trưng.
Hai Bà được nhân dân suy tôn làm Trưng Thánh Vương “Danh thơm muôn thuở vọng cõi trời nam” - Người đã ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018.
Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hàng năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch).
Người dân ngồi xung quanh hồ bán nguyệt trong khu di tích.
Nằm trong khu di tích đền Hai Bà Trưng, bên trái là đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng.
Bên phải là đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách.
Gác trống - gác chiêng đều được làm theo kiểu bốn mái uốn cong, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hình hổ phù, tầng trên mở bốn cánh cửa quay về bốn hướng...
Không gian phía trong khu đền rất thanh tịnh với nhiều cây xanh cũng là nơi dừng chân và địa điểm chụp ảnh lý tưởng.
Trong khuôn viên đền còn có khu riêng bảo lưu nhiều di vật quý như đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn./.
Minh Tuấn/VOV.VN