Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm
Lợi dụng thương mại điện tử, đối tượng buôn lậu thuốc lá trong nội địa đã móc nối với các đầu nậu để đặt hàng, vận chuyển, giao nhận tại các địa điểm khác nhau.
Đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng liều lĩnh, manh động
Trong những năm gần đây, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có xu hướng giảm, song, tùy từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Buôn lậu thuốc lá chủ yếu xảy ra ở các tỉnh thành phố như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là địa bàn trọng tâm về buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt - Lào. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse...
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn. Dù không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn của các đối tượng rất phức tạp.
Trên biển, nhằm trốn tránh hoạt động kiểm tra, các đối tượng cất giấu hàng lậu trên tàu cá, trong khoang chứa đồ. Trên bộ, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Không những vậy, khi thương mại điện tử bùng nổ, lợi dụng kẽ hở, các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu trong nội địa đã móc nối với các đầu nậu thuốc lá ở các tỉnh biên giới đặt hàng, vận chuyển và giao nhận tại các địa điểm khác nhau.
Đáng chú ý, cùng với phương thức kinh doanh mua bán truyền thống, hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu cũng được các đối tượng chia sẻ, mua bán, trao đổi công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm...
“Kinh doanh trên thương mại điện tử gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp do không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hóa của các đối tượng kinh doanh, vận chuyển” - ông Nguyễn Đức Lê thông tin và nhấn mạnh, trong 11 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Tại thành phố Đà Nẵng, trong quý IV/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điếu (đợt 2). Qua đó, xử lý vi phạm đối với 28 vụ việc buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, thu nộp ngân sách nhà nước 58 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 200 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Bên cạnh công tác kiểm tra thường kỳ, các đội quản lý thị trường trên địa bàn thành phố liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong kinh doanh mặt thuốc lá trên địa bàn thành phố.
Tương tự, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng đã kiểm tra và xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh thuốc lá nhập lậu, trong đó có thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử. Để ngăn chặn hành vi kinh doanh trái phép thuốc lá, Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử.
Tăng cường quản lý địa bàn để phòng, chống hành vi buôn lậu
Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, để cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, cần phụ thuộc vào nhiều giải pháp. Trong đó, sự thống nhất trong quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý được coi là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, sự mâu thuẫn về quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý vô hình chung đã cản trở nhau, gây khó khăn trong quá trình thực thi, từ đó giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Đơn cử, việc xác định thẩm quyền xử phạt trên nguyên tắc thẩm quyền theo mức phạt tiền, giá trị tang vật tịch thu và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, đối với hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu có quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật (nếu không áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy) dẫn đến việc phải xác định giá trị hàng hóa. Việc xác định giá trị hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu (hàng cấm) còn khó khăn do bản chất là hàng cấm, cơ sở cho việc xác định giá còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dự báo sẽ gia tăng, trong đó, có hành vi buôn lậu thuốc lá điếu. Do vậy, để triển khai nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị, Kế hoạch, Công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương cũng như các cấp chính quyền trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà.
Đồng thời, xác định rõ bên cạnh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, mặt hàng thuốc lá thế hệ mới là cũng là một mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cùng với hoạt động kiểm tra, lực lượng cũng tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và lực lượng công an đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép; tập trung các địa bàn trọng điểm tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn thông tin đầy đủ, kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Đồng thời, cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...