Đến hẹn lại… lo!
Hôm nay (14-7), VPF sẽ tiến hành Lễ bốc thăm và xếp lịch thi đấu V-League 2025/26. Có nhiều lắm sự tự tin, nhưng cũng không thiếu những mối lo âm ỉ về hành trình được dự báo đầy khốc liệt phía trước.

Nam Định sẽ gặp thách thức lớn hơn trên hành trình bảo vệ ngôi vương.
Lo vì cái mới
Thực ra, bốc thăm và hay lịch thi đấu chỉ mang tính hình thức, bởi suy cho cùng tất cả 14 CLB đều phải đối đầu nhau, lượt đi và lượt về, không chóng thì chầy. Có thay đổi gì, thì lịch thi đấu cũng chỉ sắp xếp phù hợp, tạo điều kiện cho 2 CLB Nam Định và Công an Hà Nội tham gia các giải đấu khu vực.
Tuy nhiên, điều mà nhiều CLB yếu thế e ngại là V-League 2025/26 sẽ không còn trận play-off. Thay vào đó, hai đội xếp thứ 13 và 14 sẽ xuống hạng trực tiếp, nhường chỗ cho hai đội dẫn đầu giải hạng Nhất. Có nghĩa rằng, với những CLB phải đua trụ hạng, không có "cơ hội thứ 2" như Hà Tĩnh và SHB Đà Nẵng ở 2 mùa giải gần nhất. Ngược lại cơ hội lên hạng của các đội hạng Nhất được nhân đôi.
Một vấn đề nữa là số lượng ngoại binh, dù 7 đội bóng (đúng 1 nửa số đội dự V-League) rút lui đề nghị nâng số cầu thủ ngoại được sử dụng mỗi trận lên 4 người (trước đó là 3). Nhưng chẳng ai biết, VFF và VPF sẽ "chốt" như thế nào. Nếu như "gợi ý" trên được chấp thuận, những CLB mà hầu bao chi nhỏ giọt ắt sẽ gặp vấn đề, nếu theo cho bằng anh bằng em, thì chịu không thấu, ngược lại sẽ chịu thiệt thòi.
Lo từ nội lực
Tính đến thời điểm hiện tại, việc mua sắm của các CLB vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, từ những động thái đã diễn ra, có thể chia ra 2 "trường phái" chuyển nhượng, và đó cũng là mục tiêu mà mỗi bên hướng đến. Nhóm đầu chiêu binh tuyển tướng thể hiện rõ "khát vọng" bảo vệ và cạnh tranh danh hiệu; nhóm sau tuyển mộ nhỏ giọt hay sử dụng cây nhà lá vườn chỉ với "hy vọng" không xuống hạng.
Biến động ở thị trường chuyển nhượng cũng cho thấy ưu thế cạnh tranh vẫn nghiêng về các CLB phía Bắc, theo hướng mạnh thêm với những cái tên trong tốp 5 mùa trước như Nam Định, Hà Nội FC, Công an Hà Nội, Thể Công Viettel. Trong khi đó, tân binh Ninh Bình FC cũng nhăm nhe gia nhập cuộc đua danh hiệu, với những hợp đồng mới mà "ai cũng phải ngước nhìn".
Dĩ nhiên, bóng đá miền Nam và miền Trung sẽ "mệt nghỉ" về điều này, trong bối cảnh phải chi tiêu dè xẻn, hoặc không phải là điểm đến ưa thích của các ngôi sao lớn. Nếu có thể, bóng đá miền Nam hy vọng ở Bình Dương và CLB TPHCM với cuộc cải tổ mạnh mẽ. Nhưng rằng, với nguồn lực phải chia năm xẻ bảy (TPHCM mới có 6 đội bóng chuyên nghiệp cả V- League lẫn hạng Nhất), việc nâng cấp đội hình khó như ý.
Lo từ hạng… Nhất
Việc có 2 đội hạng Nhất lên hạng, được chơi ở V-League 2026/27 tăng gấp đôi cơ hội thăng hạng cho 14 CLB dự giải đấu cao thứ 2 của bóng đá Việt Nam. Thành công của Ninh Bình FC là tấm gương để nhiều CLB noi theo, hoặc để những CLB như Trường Tươi Bình Phước tiếp tục kiên định với chủ trương đầu tư lớn. Phía Bắc, PVF- CAND vẫn là ứng viên hàng đầu, bây giờ còn thêm Bắc Ninh, CLB vừa thăng hạng và có tiềm lực đáng nể với sự hậu thuẫn về chuyên môn của HLV Park Hang-seo.
Nếu vậy, đây không chỉ là tin buồn cho các CLB hạng Nhất của miền Trung với 2 đại diện có tên tuổi nhất là Khánh Hòa và Bình Định, mà còn với các CLB đang thi đấu tại V.League. Trên thực tế, Trường Tươi Bình Phước không chỉ "rút ruột" HAGL mà còn nhắm đến nhiều cái tên khác với mức đãi ngộ khó từ chối. Những gì mà Công Phượng, Huỳnh Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Hồ Sỹ Giáp nhận được không chỉ từ lót tay, mức lương, mà còn mục tiêu thăng hạng mà CLB đất đỏ miền Đông này theo đuổi đến cùng. Quả thật, đây là sức hút khó cưỡng và các CLB như Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, SLNA, Hà Tĩnh và Thanh Hóa phải dè chừng.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/den-hen-lai-lo-post316043.html