Đến hết tháng 8, kết quả giải ngân đầu tư công của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 47,81%

Sáng 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13-10.

 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, tổng kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 đã giải ngân là 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch. Đến 31-1-2023, giải ngân vốn năm 2022 được khoảng 14.468,011 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch (trong đó: Vốn đầu tư phát triển khoảng 12.933,106 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch; kinh phí sự nghiệp khoảng 1.534,35 tỷ đồng, đạt 7,82%). Đến 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài khoảng 6.225,657 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 năm 2023 khoảng 19.158,763 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).

Đến tháng 6-2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đạt khoảng 1.131,044 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch. Đến 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 được khoảng 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch. Nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023): Đến 31-8-2023, kết quả giải ngân đạt được khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).

Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg; đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% so với năm 2021, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg. Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%).

22/74 huyện nghèo đang được đầu tư theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Có 1 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; dự kiến cuối năm 2023 là 10 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đạt 18,5% (mục tiêu của Quốc hội giao là 30%).

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình.

263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 05 tỉnh (bao gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung 5 nhóm giải pháp chính sách về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, hợp tác xã), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ; về giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, về giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm, về cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31-12-2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023; cho phép lùi thời hạn, chưa trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) của Quốc hội.

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/den-het-thang-8-ket-qua-giai-ngan-dau-tu-cong-cua-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-dat-47-81-746880