Đến Huế nghe… kèn Huế
Đúng vào dịp đầu năm mới 2021, ngày 1/1, Câu lạc bộ (CLB) Dàn nhạc kèn Huế chính thức được thành lập và ra mắt biểu diễn tại nhà Kèn, Công viên 3 tháng 2, TP Huế. Đây là sự kiện đặc biệt, góp phần phục hồi, phát huy âm nhạc Huế xưa để phục vụ người dân, du khách.
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên-Huế, những năm đầu thế kỷ XX, âm nhạc phương Tây bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Tại Huế lúc bấy giờ xuất hiện nhiều lớp âm nhạc phương Tây, cùng các nhạc cụ đi kèm như mandolin, violon, harmonica, flute…
Ngày 11/11/1918, dàn nhạc kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập tại Huế, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức thành ba bộ, gồm bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ với biên chế 64 nhạc công. Đến năm 1919, vua Khải Định cho thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp tại Huế, nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức.
Tiếp đó, năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời. Dàn nhạc kèn hơi ngoài phục vụ nghi lễ còn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và lãng mạn vào chiều Chủ nhật tại nhà Kèn trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Tại Huế lúc đó cũng xuất hiện những đội kèn đồng do các linh mục, thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi lễ. Các dàn nhạc kèn hơi này đều có trình độ chuyên môn tốt nên thường được mời đi biểu diễn các sự kiện lớn trong và ngoài nước...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế, tiếng kèn đồng trong những năm tháng xuất hiện ở Huế đã đóng góp rất lớn vào việc hình thành nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt là nền tân nhạc Huế. Đồng thời đem lại cho người dân Huế những xúc cảm thẩm mỹ mới mẻ...
Tuy nhiên, từ sau năm 1975, sinh hoạt kèn hơi ở Huế bị mai một, đội kèn thiếu nhi của Nhà Thiếu nhi Huế thành lập chỉ hoạt động cầm chừng, các hoạt động biểu diễn kèn không duy trì thường xuyên. Nhiệt huyết và trăn trở với kèn Huế, năm 2018, nhạc sĩ Lê Quang Vũ, nguyên Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh trở lại Huế và xúc tiến thành lập CLB kèn Huế với 25 thành viên.
Cuối năm 2018, CLB kèn Huế được công nhận là thành viên thuộc Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Với mong muốn phục hồi CLB kèn Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên-Huế soạn thảo đề án phục hồi CLB kèn Huế và tổ chức biểu diễn, thực hiện với kinh phí xã hội hóa. Không lâu sau đó, CLB với tên gọi “Dàn nhạc kèn Huế” được hình thành với 50 thành viên, trong đó có 40 nghệ sĩ chơi kèn. CLB đã xây dựng phương án, mô hình tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp hằng tuần tại nhà Kèn và một số địa điểm khác ở TP Huế...
Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc phục hồi CLB kèn Huế là yêu cầu bức thiết, vừa bảo tồn nét độc đáo của truyền thống văn hóa Huế vừa phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật Huế. Dàn nhạc kèn Huế được thành lập và ra mắt đúng vào dịp đầu năm mới 2021 là dấu ấn đặc biệt, mang lại nhiều cảm xúc cho du khách và những ai yêu Huế…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/den-hue-nghe-ken-hue-626276/