Đến khi nào doanh nghiệp và trường đại học 'cùng hội, cùng thuyền' trong đào tạo nhân lực?
Sinh viên ra trường không đủ kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong khi nhà tuyển dụng không tìm được người lao động như mong muốn, đó là thực trạng của đào tạo giáo dục đại học trong nhiều năm qua.
Chính sách đang giải quyết phần ngọn
Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố tỷ lệ 66% học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học. Việc nhiều thí sinh không mặn mà học đại học có xuất phát từ nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế khó khăn, rào cản học phí… bên cạnh đó còn có việc nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, làm việc trái ngành, thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống. Thậm chí, nhiều học sinh có tư duy thà đi xuất khẩu lao động còn hơn đi học đại học.
Thực trạng trên phản ánh một vấn đề đó là chất lượng đào tạo trong các trường đại học chưa đạt, việc định hướng nghề nghiệp còn mông lung. Đặc biệt, trong đào tạo giáo dục đại học và cao đẳng hiện nay mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn nhạt nhòa, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, chưa đạt như kỳ vọng. Đây cũng là nguyên nhân số sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, thu nhập không ổn định.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền (thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia).
- Thực trạng trên là mặt trái của giáo dục hiện nay. Giáo dục đang có tình trạng phục vụ cho mục đích hướng người học theo đuổi con đường bằng cấp cao thay vì phục vụ cho nhu cầu lao động đa dạng của thực tế thị trường lao động đòi hỏi.
Bên cạnh đó, với tình trạng quan liêu trong quản lý sẽ gây cản trở cho quá trình tiếp cận và hội nhập thực chất với các tiêu chuẩn của giáo dục quốc tế. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người học mà còn tạo ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cần thiết để đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.
Cho dù trong những năm gần đây chúng ta đã ban hành một số chính sách để thúc đẩy tự chủ cho giáo dục đại học nhưng nó chỉ giúp giải quyết phần ngọn cho thực trạng trên. Thực tế, theo một số khảo sát nghiên cứu gần đây cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra làm trái ngành chiếm trên 24% nhưng cá nhân tôi cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
Cần sớm định hướng nghề nghiệp một cách có hệ thống
+ Thưa ông, ở các nước phát triển như Úc thì sự kết hợp này như thế nào? Liệu có mô hình chuẩn để có thể áp dụng rộng rãi không?
- Ở Úc, học sinh được hướng nghiệp từ đầu bậc THCS. Ở bang Victoria (VIC) là một ví dụ. Ở bang này, việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho giới trẻ được đưa vào từ những năm học đầu tiên của cấp hai trong chương trình giáo dục học.
Cơ quan phụ trách giáo dục của bang VIC đã có quy định chương trình này và có tất cả 6 bước để giúp các bạn trẻ phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân. Trong mỗi bước như thế được chia làm 3 giai đoạn: Phát triển bản thân: học sinh sẽ hiểu về chính bản thân mình, phải tự mình tích lũy kinh nghiệm và thành tích cho mình, tìm cách phát triển khả năng của chính mình. Thăm dò nghề nghiệp: học sinh sẽ phải xác định, khám phá và đánh giá các cơ hội trong quá trình học tập và lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Quản lý nghề nghiệp: Học sinh phải thực hiện và điều chỉnh định hướng nghề nghiệp của bản thân, quản lý các lựa chọn, các thay đổi và chuyển tiếp trong cuộc đời của họ. Mỗi bước được lồng ghép vào từng cấp lớp từ lớp 7 đến lớp 12. Chương trình được xây dựng giúp người học có được những kỹ năng cần thiết để lập và thực hiện kế hoạch nghề cho tương lai, phát triển các kỹ năng và khả năng của bản thân để tìm, duy trì và phát triển nghề nghiệp bản thân trong một thị trường lao động tuy rộng lớn nhưng rất cạnh tranh.
Bên cạnh đó, những học sinh kết thúc lớp 10 có thể chuyển hướng qua học nghề thay vì tiếp tục học lên cao. Ở các trường nghề, học sinh được học 70% lý thuyết ở trường và 30% thực hành tại doanh nghiệp. Ngoài ra, có một hình thức đào tạo khác nhằm linh hoạt trong việc cung cấp nguồn nhân lực thiếu hụt của các doanh nghiệp đó là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp. Hình thức này người học vừa được học nghề vừa vẫn được nhận lương theo quy định. Nếu cần bằng cấp thì dựa trên số thời gian người học việc được đào tạo để được cấp các chứng chỉ và bằng cấp tương đương như người học ở trường. Bằng này được công nhận trên toàn Úc.
Ở Úc, mối gắn kết giữa doanh nghiệp và các nhà trường rất chặt chẽ. Các sinh viên trong quá trình học được dành một khoảng thời gian để thực tập tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi tốt nghiệp Chính phủ Úc thường có chương trình thực tập tốt nghiệp nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp làm quen với môi trường làm việc thực tế, qua đó trau dồi thêm các kỹ năng nghề nghiệp thực tế mà nhà trường không thể cung cấp.
Bộ Giáo dục Úc ở các bang luôn có một kênh thu thập phản hồi từ những người tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo để nắm thông tin về tình trạng việc làm, cũng như đánh giá của người học về chất lượng đào tạo của cơ sở mà họ được đào tạo.
Cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa
+ Để thực hiện tốt vai trò đào tạo cung ứng nguồn nhân lực tốt cho thị trường lao động thì các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cần làm gì? Theo ông đâu là nút thắt cần phải khắc phục?
- Thực trạng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp và làm trái ngành, thậm chí phải đào tạo lại cho thấy cần phải có sự cải cách mạnh hơn nữa đối với hệ thống giáo dục hiện nay. Trước hết cần phải sớm xây dựng và ban hành khung hướng nghiệp cho học sinh từ sớm ngay đầu lớp 6.
Tạo ra sự gắn kết, thống nhất và xuyên suốt cho người học trong việc hướng nghiệp, chọn nghề và tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Có sự phân bổ nguồn nhân lực ở các lĩnh vực một cách có khoa học đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và thị trường lao động nhằm đảm bảo một thị trường lao động ổn định, và bền vững. Không để xảy ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần phải gắn nhu cầu của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo hay nói cách khác phải cho doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo, có như vậy mới tránh được tình trạng đào tạo lại như hiện nay.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng là cần phải đổi mới và cập nhật lại các chương trình và môn học hiện nay ở cả cao đẳng và đại học. Nhiều chương trình và môn học đã quá lỗi thời không còn phù hợp với thị trường lao động hiện nay.
+ Vâng xin cảm ơn ông!
Trinh Phúc (Thực hiện)