Đến khi nào không còn cảnh úng ngập?
Đứng trước quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và quản lý môi trường nước ở thành phố Hà Nội đang ngày càng trở nên cấp thiết. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Hà Nội cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán, đồng thời cần xem xét lại hệ thống thoát nước thải sinh hoạt tránh gây ách tắc cho hệ thống cống nguồn.
Còn đó nỗi lo
Hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội từ trước đến nay vẫn là hệ thống thoát nước chung, bao gồm cả thoát nước thải và thoát nước mưa. Hiện nay hệ thống này tạm phân chia làm ba lưu vực lớn. Lưu vực thứ nhất là lưu vực sông Tô Lịch, giới hạn là một bên sông Hồng, một bên sông Tô Lịch. Lưu vực thứ hai là lưu vực Tả sông Nhuệ, bên phía các khu vực mới như quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm và lưu vực sông Cầu Bây, bên kia sông Hồng. Toàn bộ hệ thống thoát nước Hà Nội vẫn đang trong quá trình vừa vận hành vừa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Thực tế, từ nhiều năm qua, Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh được khoảng 77,5 km2 lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Tại những khu vực này, do hệ thống thoát nước sông đã hoàn chỉnh, nên đảm bảo giải quyết được lượng mưa 310 mm/2 ngày. Song, tại phần lớn các khu vực khác, nếu mưa 50 mm/2 giờ cơ bản không xảy ra úng ngập, nhưng khi mưa từ 50 - 100 mm/2h Hà Nội sẽ xuất hiện 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả, phải chờ phương án khắc phục riêng.
“Công tác quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố thực hiện theo hình thức đấu thầu, hệ thống thoát nước được chia làm nhiều gói thầu, do nhiều đơn vị cùng thực hiện công tác quản lý đan xen, làm cho việc vận hành của hệ thống đảm bảo được tính đồng bộ, xuyên suốt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong sự phối hợp giữa các đơn vị thoát nước chưa được nhịp nhàng, ăn khớp, đòi hỏi phải có một nhạc trưởng trong ngành thoát nước” - đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, do hệ thống hạ tầng thoát nước sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, tỷ lệ đường ống cống thoát nước tại Hà Nội cũng thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới, 0,46 m/người so với 2m/người. Trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị hóa đã làm cho một số hồ điều tiết, vùng đệm thay đổi về hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm nước, tạo ra tình trạng ngập úng cục bộ. Theo thống kê năm 1995, trong khu vực nội thành có tới 2.100 ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước hồ chỉ còn 1.165 ha. Thay vào số ao, hồ bị lấp là hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng… nhưng hệ thống thoát nước chưa được quan tâm thực hiện một cách bài bản, đúng tầm.
Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia phân tích, các hồ bị thu hẹp diện tích hoặc kè cứng, mất khả năng điều hòa. Khi mưa xuống, lượng nước không được tích trữ tạm trong các ao, hồ, vùng trũng. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo cả đô thị bị “bê tông hóa”, các vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến dòng chảy của nước mưa không được chặn lại, tốc độ chảy nhanh hơn. Kèm theo đó, thời tiết thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn kéo dài, vượt ngưỡng chịu tải của Thành phố.
Chủ động xử lý sự cố tại chỗ
Trước tình trạng ngập úng có xu hướng ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, ngay từ đầu quý I/2021, dù chưa có kết quả đấu thầu công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động cơi cống xả nhằm hạn chế ngập úng. Cùng với đó, ngành thoát nước đã yêu cầu các đơn vị triển khai những giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước; đồng thời, điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ; thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.
Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, để chuẩn bị và đảm bảo cho công tác thoát nước, phòng chống úng ngập mùa mưa năm 2021, bắt đầu từ tháng 3 đến nay, các xí nghiệp trực thuộc đơn vị đã phối hợp với chính quyền và lực lượng trật tự đô thị các phường trên địa bàn tổ chức ra quân phá dỡ, thu dọn bục bệ, tấm chắn vật cản trên các tuyến phố nhằm giải quyết tình trạng ách tắc, tăng cường khả năng thu, thoát nước mùa mưa. Cụ thể: Xí nghiệp thoát nước số 1 đã triển khai thực hiện trên các tuyến phố của phường Hàng Bạc, Đồng Xuân; Xí nghiệp thoát nước số 2 tổ chức thực hiện trên đường Nguyễn Chí Công thuộc địa bàn 2 phường Xuân La và Phú Thượng (quận Tây Hồ); Xí nghiệp thoát nước số 3 thực hiện trên phố Minh Khai, đoạn dốc Minh Khai và chân cầu Vĩnh Tuy và Xí nghiệp thoát nước số 8 tổ chức tại các tuyến phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tô Hiệu, Lê Lợi (quận Hà Đông).
Đặc biệt, khảo sát của Công ty Thoát nước Hà Nội tại lưu vực sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ trên địa bàn thành phố cho thấy, tình trạng ô nhiễm dầu, mỡ khá nghiêm trọng. Tổng lượng mỡ trong nước sông, hồ từ 0,5 đến 2,5mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt (là 0,5mg/lít). Trong khi đó, tính chất của dầu, mỡ là không hòa tan trong nước, độ bám dính cao, khi chúng quấn lại với nhau, tạo thành các mảng lớn bám vào bề mặt hoặc treo bên trong cống thoát nước. Càng lâu, lượng mỡ tích tụ càng dày, làm tắc đường ống. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường khơi thông nguồn thải, nạo vét các kênh rãnh, vớt váng mỡ tại ao hồ, công ty Thoát nước cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền lắp đặt các thiết bị tách, lọc dầu mở khỏi nguồn thải tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh.
Thực tế, đây cũng chỉ là 2 trong số vô vàn những biện pháp cấp bách đang được thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu đưa nước nhanh nhất về nguồn thải. Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, Thành phố đang trên đà phát triển nhanh do đó cần phải có những điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả Thành phố với tầm nhìn trung và dài hạn hơn nữa./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/den-khi-nao-khong-con-canh-ung-ngap-124033.html