Đèn khuya

1. Một khuôn hình tròn trịa như vầng hồng in trên mặt bàn lót giấy trắng mịn. Giống như hình một gương trăng rằm tròn đầy. Nó khiến anh nhớ tới câu thơ đẹp của thi sỹ Xuân Diệu: 'Trăng khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn'. Khác chăng là cái khuôn hình in trên mặt bàn của anh không bao giờ lặn, không bao giờ hao khuyết như gương trăng trên trời cao. Cái gương trăng không biết đến hao mòn khiếm khuyết ấy chính là ánh sáng cây đèn bàn của anh, một nhà báo được bạn đọc yêu quý vì tài năng khám phá và nhất là vì cần cù nhẫn nại.

Cây đèn bàn ấy không bao giờ tắt sáng! Ngoại trừ những lúc thành phố cắt điện để phục vụ cho chống hạn, chống úng. Còn anh, dẫu được biết có lời kêu gọi tiết kiệm điện năng, chẳng bao giờ có ý định bấm công tắc ngắt nguồn sáng vầng hồng nọ. 25 oát, thực tình sức tiêu thụ dòng điện của nó có đáng là bao!

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)

Chẳng đáng là bao, nhưng ngọn đèn nọ chính là cái vầng hồng ấm áp tràn đầy sinh lực tỏa xuống mặt cái bàn viết đơn sơ trong căn buồng giản dị của anh. Trên mặt bàn của anh còn có mấy vật thể nữa, đó là cây bút bi, xấp giấy và bây giờ: Cặp kính viễn thị, chúng được anh gọi bằng một cụm từ rất đẹp và rất sang: “Tứ bảo văn phòng”. “Tứ bảo văn phòng”, cụm từ Hán - Việt sang trọng nọ là nhóm từ chỉ bốn vật dụng của nhà nho xưa, như ngọn bút lông, thoi mực, cái nghiên và hộp dấu ấn chỉ...

Đồ nghề của anh đơn sơ hơn “Tứ bảo văn phòng” của các bậc nho gia. Vậy mà, giờ đây khi tuổi đã sắp lên lão, anh mới có được. Là bởi vì, đã có những năm tháng thật dài, anh ngồi viết dưới ngọn đèn dầu vàng ệch, khói đùn lên cuồn cuộn đen sì. Dạo đó anh còn trẻ, chưa cần đeo kính viễn. Và cảm hứng mãnh liệt về cuộc đời, về dân tộc, về đất nước vẫn ào ạt tuôn chảy, dẫu nhiều khi ngòi bút sắt chấm mực chạy trên tờ giấy mộc còn cậm cạch, vướng vít, chậm rì. Dạo đó là chiến tranh. Nhiều lần, anh đã ngồi viết dưới căn hầm địa đạo, trong ánh sáng của cây đèn bão, khi trên mặt đất rung lên từng hồi bão lửa của bom đạn.

Còn bây giờ, cây đèn bàn rọi một nguồn sáng yên bình vô tận trên bàn viết của anh. Anh muốn nó là nguồn sáng vô tận. Anh muốn nó không bao giờ tắt. Một lý do đơn giản vô cùng là nhìn thấy cái khuôn hình tròn vạnh hồng hào đó, anh lại thấy như được giục giã. Hãy làm việc đi! Lúc này, người nông dân ra ruộng. Người công nhân vào xưởng máy. Người giáo viên vào buổi dạy. Còn anh? Một nhà báo kỳ cựu, giờ đây giữ chân thường trực một tờ nhật báo lớn của thành phố này!

2. Dắt xe ra khỏi cổng tòa soạn, anh mới nhận ra là đêm đã khuya và xung quanh mình là sự im vắng đến bất thường. Thế đó! Cái phố ban ngày nườm nượp xe máy, ô tô qua lại, đến sang đường cũng khó, vậy mà bây giờ, không còn một bóng xe, bóng người.

Im vắng quá! Im vắng đến mức, anh nghe thấy cả tiếng bánh xe đạp của mình lăn ràn rạt chầm chậm. Chầm chậm thôi và do vậy, may mà nó không gây kinh động cho ai, nó hòa hợp với cái cảnh đêm của cái thành phố đông đúc cư dân này. Thành phố này là vậy, ồn ào sôi nổi và sâu lắng dịu êm. Ồn ào và sâu lắng, sôi nổi và dịu êm, như công việc nhà báo của anh vậy.

Đó, cái công việc của nhà báo hằng đêm của anh! Hiển nhiên là người đọc năm giờ sáng mai cầm tờ báo mới ra còn thơm mùi giấy và mực in đều hiểu: Đã có những người như anh, thức đêm và cặm cụi với công việc bên ngọn đèn sáng hồng những đêm khuya. Đọc lại bản in thử cuối cùng. Soát lại cuối cùng từng chữ từng dòng bài viết, từng cái tin ngắn, tin dài, tin sâu. Soát xét lại toàn bộ tám trang báo. Cập nhật những thông tin mới nhận được. Tức là có được cả những tin tức cuối cùng một ngày ở trong nước và trên toàn cầu. Những thông tin vào giờ chót của một ngày! Từ khắp nơi trên đất nước. Từ châu Âu, từ Hoa Kỳ, từ một nơi nào đó xa tít gửi về. The world is flat. Thế giới ngày nay là một mặt phẳng.

Không phải là vơ vào mình đâu. Trong xã hội mọi nghề nghiệp một khi đã tồn tại thì đều có cái lý của nó. Nói riêng cái chuyện chữ nghĩa vậy chẳng qua cũng là để thêm yêu và tự hào thôi. Nghề báo nói thật là một nghề nặng nhọc vì phải chịu thương chịu khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Và cả sự dũng cảm nữa. Nghề báo là nghề đâu có an toàn. Số nhà báo chết vì chiến tranh, vì tên bay đạn lạc, vì bị trả thù tăng lên mỗi năm. Vì bị trả thù? Đúng thế đấy.

Uất lắm chứ khi một kẻ gian phi bị vạch mặt chỉ tên trên mặt báo. Sức mạnh của chữ nghĩa ngôn từ đâu có là chuyện giỡn chơi. Vụ mười phóng viên của tờ báo Pháp Charlie Hebdo ở thủ đô Paris bị IS giết hại tháng 1/2015 chẳng là một ví dụ đau đớn đó sao? Tham nhũng đang trở thành quốc nạn. Cho nên mới có chuyện ở tòa soạn này, mấy năm nay năm nào cũng có một vài vụ phóng viên đi viết về mấy ông quan tham bị côn đồ đánh đến thương tật suốt đời. Anh cũng đâu có ít lần bị đe dọa. Và cái vụ bê bối ở Dự án Đ.A anh và tổ phóng viên điều tra phát giác. Kinh khủng! Một vụ tham nhũng kinh thiên động địa. Thủ phạm là một vị tai to mặt lớn kéo theo gần chục kẻ thủ túc tin cậy, mỗi vị đút túi cả trăm triệu đô la. Bài điều tra sẽ xuất hiện trong số báo ngày mai.

3. Khoan khoái, anh hít thở nhè nhẹ và có cảm giác như nhận ra hương hoa sữa trong đêm. Cảm giác này khiến anh thấy ấm áp. Anh đâu có cô đơn trong đêm nay, lúc này. Anh nhận ra điều đó rõ ràng hơn khi chiếc xe của anh ngoặt vào một con phố khác. Nhìn thấy mấy bóng chị phụ nữ mặc áo có mấy vệt phản quang, anh liền nghe thấy tiếng chổi tre một hiệp âm rào rạt trên mặt đường. Những nữ công nhân của Công ty Môi trường! Họ là những người thức khuya nhất của thành phố, chứ đâu phải là anh.

“Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe”. Tủm tỉm cười, chợt nhớ tới mấy câu thơ nọ của Tố Hữu, anh bẻ tay lái để xe rẽ vào con phố nhỏ. Chính là vào lúc đang tràn ngập cảm giác vui vẻ hồn nhiên, anh vội vàng tạt chiếc xe vào rệ đường và nhảy xuống đất. Một chiếc xe Jeep từ phía sau anh vừa phóng vượt qua anh chừng hơn chục thước, phanh gấp, xiết một vệt dài trên mặt đường. Rồi thình lình một hồi còi cất lên thật gắt cùng tiếng quát vang lên trong phố vắng. Rồi loang loang như sóng âm thanh truyền theo vách núi. Anh đứng lui vào bóng tối mái hiên của cửa hàng điện tử. Chiếc xe Jeep nổ máy pừng pừng đi về phía ngoại thành. Tim đập nhè nhẹ. Anh biết đó là xe công an đuổi bắt một nghi phạm .

4. Chiếc xe đã chớm một con phố lớn. Một chiếc đầu tàu hỏa kéo theo hai toa đen vừa xình xịch chạy qua. Chiếc gác chắn rầm rì mở lối. Đường thông. Mọi khi đây là điểm ùn tắc trọng điểm. Còn lúc này, khuya lắm rồi. Một mình anh một xe trong đêm thanh vắng. Nhưng không sao cả. Vì lúc này anh chỉ còn cách con ngõ rẽ vào nhà mình gần trăm mét thôi. Một căn nhà nhỏ, một bóng đèn khuya và một người vợ thương yêu!

- Các ông là ai mà đêm hôm chặn đường tôi?

Đúng lúc đang một mình một xe trên con phố còn cách con ngõ nhà mình không bao xa, anh bỗng giật thót minh và bóp mạnh phanh xe.

Là ai thì rồi sẽ hiểu!

Yêu cầu lui ra cho tôi đi!

Trước mặt anh bây giờ là ba bóng đàn ông. Một cao to lừng lững. Hai tên lẻo khẻo. Tất cả đều tùm hum trong cái mũ vải đen chùm qua mặt chỉ để hở hai con mắt. Một kiểu ngụy trang của khủng bố, băng đảng xã hội đen. Giống nhau từ cái mùi rượu cồn sặc sụa phả ra từ miệng, chúng giật chiếc xe đạp của anh, lẳng nó xuống đường, đẩy anh vào đầu một chiếc ngõ. Ghé sát mặt anh là tên cao to có chất giọng khàn rè:

- Đừng bướng. Ông hiểu lúc này ông ở thế cô độc chứ, ông nhà báo trưởng nhóm chuyên viết phóng sự điều tra.

- Các người định làm gì ta biết cả rồi.

- Đã biết rồi thì thực hiện ngay đi. Một là gọi điện ngay cho Tổng biên tập và nhà in. Bóc ngay bài báo đang chạy máy.

- Không! Không thể có chuyện ấy!

Tiếng anh tắc ngẹn ngay lúc đó. Một cú đấm thẳng của tên cao to vào giữa mặt anh khiến anh tối sầm và ngã ngửa xuống đất. Ta gặp bọn đâm thuê chém mướn hành hung rồi! Óc anh nhoáng qua ý nghĩ nọ và lập tức trong một phản xạ vô điều kiện, nhớ tới bài học của đồng nghiệp, anh liền vòng hai tay ôm kín đầu và co hai chân lên bụng, che chắn những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể. May quá, có lẽ cũng mới chỉ hai ba phút trôi qua, thì nghe thấy tiếng bánh xe ô tô xiết mạnh trên mặt đường và tiếng còi báo động rít lên lanh lảnh. Bọn côn đồ dạn dày trong trò hành hung thế mà còn hớ. Chiếc xe đạp của anh bị chúng lẳng ở giữa đường đã khiến những chiến sỹ công an đi tuần tra trên chiếc xe Jeep để ý.

4. Yên tĩnh đã trở lại với con phố nhỏ. Anh dắt xe xuống đường. Đây là đâu? Thấp thoáng trong anh cái cảm giác lạc đường. Và anh chỉ trở lại tâm thái thường khi xuống xe, dắt xe đi vào cái ngõ thân thuộc của mình.

Đêm đen mịn. Nhưng mà kìa! Anh chợt như bừng tỉnh. - Anh đã về! Cùng với tiếng cánh cửa kéo là tiếng reo của vợ anh. Ùa vào anh một nguồn sáng thật trong trẻo từ tiếng reo quen thuộc thân thương nọ.

- Anh rửa mặt chân tay, em hâm lại bát canh cá cho nóng. Ở nhà lúc mười hai giờ em đi ra ngõ định đón anh. Đúng lúc ấy nghe thấy tiếng chiếc xe Jeep của công an phanh gấp và rúc còi. Em thấy lo quá!

Anh ngồi vào mâm cơm. Mùi canh cá thơm rau thì là lừng hương trong căn phòng. Anh ngước lên. Mắt chị thì lấp lánh sáng như ngọn đèn đã thắp sáng suốt đêm. “Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt. Khăn thương nhớ ai mà khăn vắt trên vai”. Không đừng được nữa, anh đứng dậy, tiến sang phía chị và ôm choàng lấy chị, nghẹn ngào và da diết yêu thương: Em yêu quý à. Rốt cuộc là chẳng có gì là quan trọng cả. Vì đã có em đợi chờ đêm đêm và anh đã trở về với em.

Nhà văn Ma Văn Kháng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/den-khuya-z8n20190619141205144.htm