Đền Kim Liên đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 16/4 (tức 16 tháng 3 âm lịch), Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa tổ chức lễ khai hội truyền thống và đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt 'Thăng Long Tứ trấn - đền Kim Liên'.

Cán bộ và nhân dân phường Phương Liên, quận Đống Đa đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên.

Cán bộ và nhân dân phường Phương Liên, quận Đống Đa đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên.

Tới dự có đồng chí Chu Ngọc Anh Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội.

Khi xây dựng thành Thăng Long, các triều đại quân chủ xưa đã lần lượt cho xây dựng bốn ngôi đền ở bốn phía kinh thành. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần trấn giữ phương đó, gồm trấn Đông đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, trấn Tây đền Voi Phục thờ Linh Lang Đại vương, trấn Bắc đền Quán Thánh (Trấn Vũ quán) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn Nam đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại vương.

Bốn ngôi đền được người Thăng Long - Hà Nội gọi là “Thăng Long Tứ trấn”. Với vai trò trấn giữ cho kinh đô, suốt hơn một ngàn năm, các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn, trong đó có đền Kim Liên, luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

Trong bốn ngôi đền, đền Kim Liên được cho là xây dựng muộn hơn, tại vị trí làng Kim Hoa, (nay là làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), để thờ thần Cao Sơn đại vương - vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống.

Tương truyền, Thần là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Do có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh, nên rất được đề cao trong hệ thống thần thoại về buổi đầu dựng nước của dân tộc. Đến đầu thời Lê Trung Hưng, thần tiếp tục phù giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, giành lại ngai vàng. Để tỏ lòng cảm tạ, vua cho dựng lại đền thờ thần khang trang, to đẹp hơn. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Kim Liên đến giờ vẫn được bảo tồn nguyên trạng, với nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn từ thời Lê Trung hưng.

Đền Kim Liên còn lưu giữ nhiều di vật, như: 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn; tấm bia đá “Cao Sơn Đại vương Thần Từ Bi Minh” năm 1510…, là những bảo vật quý hiếm, không chỉ có giá trị chứa đựng cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích nói riêng, lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khoa học quý giá về thư pháp, ngôn ngữ học, mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào ngày 16/3 âm lịch, để người dân và khách thập phương tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn tới thần Cao Sơn đã che chở, ban phúc lộc cho người dân.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, đền Kim Liên cùng với các di tích thuộc Thăng Long Tứ trấn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 93/QĐ-KGVX ngày 18/1/2022).

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho đại diện chính quyền, nhân dân phường Phương Liên và quận Đống Đa.

Đại diện lãnh đạo quận Đống Đa cam kết sẽ cùng nhân dân gìn giữ, phát huy Di tích quốc gia đặc biệt này như xây dựng quy hoạch tổng thể, thu thập dữ liệu, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền đưa Lễ hội đền Kim Liên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/den-kim-lien-don-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-693365/