Đến London công du, Tổng thống Brazil nói giá xăng ở Anh quá đắt
Tổng thống Jair Bolsonaro nói rằng, giá xăng ở Anh đắt gần gấp đôi giá xăng trung bình ở Brazil.
Tổng thống Brazil nói giá xăng ở Anh cao
Tờ Guancha (Trung Quốc) đưa tin, vào ngày 18/9 (giờ địa phương), nhân chuyến thăm Vương quốc Anh dự tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chia sẻ về giá xăng ở Anh.
Theo video được đăng tải cùng ngày, ông Bolsonaro đến một trạm xăng ở khu Bayswater tại London, đầu tiên ông chỉ vào một bảng điện tử hiển thị giá xăng, nói giá xăng ở Anh khá cao: "Tôi đang ở London, Anh, và giá xăng là 1,61 bảng Anh/lít".
Ông Bolsonaro sau đó so sánh giá xăng ở Anh với Brazil, nói rằng giá 1,61 bảng Anh/lít là "gần gấp đôi giá trung bình ở nhiều địa phương của Brazil". Ông nói: “Trên thực tế, xăng của chúng tôi là một trong những mức giá rẻ nhất trên thế giới".
Trước phát ngôn của Tổng thống Bolsonaro, các phương tiện truyền thông Anh như The Independent, Sky News... đều cho rằng đây là một sự so sánh thiếu công bằng vì mức lương tối thiểu ở Brazil thấp hơn nhiều so với ở Anh.
Các phương tiện truyền thông Anh cũng cho rằng, dù giá xăng ở Anh vẫn ở mức cao nhưng mức giá này đã giảm từ mức cao gần 2 bảng Anh/lít trong những tháng gần đây.
Theo The Guardian, có nhiều nguyên nhân khiến giá xăng ở Anh tăng vọt như Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu hay nhu cầu toàn cầu đối với các hạn chế về điện sau đại dịch Covid-19 phục hồi mạnh mẽ.
Đức sẽ hết khí đốt vào mùa xuân
Hãng tin RT đưa tin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo, nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên mặc dù các cơ sở lưu trữ trong nước đã đạt đến công suất tối đa.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Kiểm kê Tổng hợp Khí đốt (AGSI), các kho dự trữ của Đức đã đầy hơn 90%, nhưng chúng sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào cuối mùa đông do Berlin hạn chế mua khí đốt của Nga.
"Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ với việc tiết kiệm khí đốt và chúng tôi gặp may nhờ thời tiết, chúng tôi có cơ hội trải qua mùa đông một cách thoải mái. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là các cơ sở lưu trữ sẽ trống rỗng trở lại vào cuối mùa đông - trong trường hợp này sẽ thực sự trống rỗng, bởi vì chúng tôi sẽ sử dụng khí đốt", ông Habeck nói.
Vào tháng 8, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Muller cảnh báo rằng, ngay cả khi kho dự trữ đầy 95%, nước này chỉ đủ nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm, năng lượng và công nghiệp trong hai tháng rưỡi nếu Nga ngừng vận chuyển hoàn toàn khí đốt.
Nga đã cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt của Liên minh châu Âu trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Nhập khẩu của EU từ quốc gia bị trừng phạt hiện ở mức dưới 9%, theo Brussels.
Moldova thanh toán khí đốt cho Nga
Nhà phân phối khí đốt Moldovagaz hôm 19/9 thông báo rằng họ đã thanh toán đầy đủ cho sản lượng khí đốt Nga cung cấp trong tháng 8.
"Hôm nay Công ty cổ phần Moldovagaz đã chuyển 9,67 triệu USD cho PJSC Gazprom. Do đó, công ty đã thanh toán đầy đủ hóa đơn khí đốt tự nhiên trong tháng 8 cho Nga", Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, Vadim Cheban tuyên bố.
Ông Cheban nói thêm rằng, Moldovagaz hiện đang làm việc để đảm bảo thanh toán trước cho các đợt giao hàng trong tháng 9.
Moldova, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với 2,6 triệu dân nằm giữa Ukraine và Romania, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Tháng 10 năm ngoái, Gazprom và Moldovagaz đã gia hạn thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn thêm 5 năm nữa cho đến tháng 9/2026. Tuy nhiên, Moldovagaz đã phải vật lộn để đáp ứng các cam kết thanh toán với nhà cung cấp Nga do giá theo hợp đồng tăng mạnh trong năm nay.
Đầu tháng này, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita cảnh báo rằng nền kinh tế nước này có thể phải đối mặt với cú sốc kép do việc cắt khí đốt của Nga và giá năng lượng "cực cao" khi nước này chuẩn bị bước vào mùa đông.