Đến lúc FIFA thay đổi luật đá luân lưu?
Những tranh cãi về sự công bằng trong các loạt luân lưu đã trở lại sau thất bại của tuyển Anh ở chung kết Euro 2020.
Nếu không tính những lá đơn trông có vẻ hoang đường như đòi đá lại chung kết của cổ động viên Anh, thì phát biểu của Gerard Pique sau giải đấu khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Trung vệ Barca cho rằng việc đá trước trong loạt luân lưu là lợi thế lớn giúp Italy thắng cả hai trận bán kết và chung kết Euro. Cũng phải nói thêm rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Euro, có một đội thắng luân lưu hai trận liên tiếp.
Nhiều chuyên gia và cựu cầu thủ cho rằng để có thể giảm tối thiểu sự thiếu công bằng trong loạt luân lưu, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) nên quay lại suy xét thể thức đá luân lưu.
Đá trước có lợi thế lớn
Người ta thường nói việc phải giải quyết thắng thua bằng loạt luân lưu mang tính may rủi. Với các cầu thủ đẳng cấp thế giới, những người thành thục kỹ năng cơ bản đến mức thượng thừa, so tài ở khoảng cách 11m không khác gì cuộc chiến tâm lý.
Nhưng nếu người ta nói bóng đá (hay thể thao nói chung) hấp dẫn vì sự công bằng, thì cuộc chiến tâm lý trên chấm luân lưu không hẳn công bằng 100%.
"Xin chúc mừng Italy, đội hay nhất giải đấu. Tuy nhiên, việc Italy được đá luân lưu trước một lần nữa giúp họ chiến thắng", Pique viết trên trang cá nhân sau chung kết Euro 2021, "Giống như trận đấu với Tây Ban Nha, việc đá trước trong loạt luân lưu giúp Italy sửa chữa sai lầm dù có đá hỏng trước đó".
Italy trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Euro thắng hai loạt luân lưu trong một giải đấu (Opta). Trong cả hai chiến thắng đó, họ đều được đá trước đối thủ sau khi bốc thăm.
Trước Tây Ban Nha, Manuel Locatelli đá hỏng quả đầu tiên. Trước Anh, Andrea Belotti đá hỏng quả thứ hai khiến "Tam sư" vượt lên dẫn 2-1. Tuy nhiên, việc ba cầu thủ Anh đá hỏng liên tiếp giúp Italy vô địch dù trong lượt thứ 5, Jorginho đá trước và thất bại.
Trước đó một tuần, Pique dẫn ra thống kê cho thấy có 4 trận tại Euro và Copa America kết thúc với chiến thắng thuộc về đội đá luân lưu trước. Sau chung kết Euro 2020, con số tăng lên 5.
Cả Euro và Copa America hè này có tổng cộng 7 trận phải giải quyết bằng loạt luân lưu. Ở Euro, cả 4 trận bất phân thắng bại sau 120 phút đều chứng kiến phần thắng thuộc về đội đá luân lưu trước (tỷ lệ 100%).
Thụy Sĩ thắng Pháp 5-4 ở vòng 16 đội, Tây Ban Nha thắng Thụy Sĩ 3-1 ở tứ kết, Italy thắng Tây Ban Nha 4-2 ở bán kết và Italy thắng Anh 3-2 ở chung kết.
Ở Copa America, mọi chuyện có khác biệt. Giải đấu Nam Mỹ có ba trận phải đá luân lưu, nhưng chỉ một kết thúc với chiến thắng cho đội đá trước. Đó là khi Colombia thắng Uruguay 4-2 ở tứ kết.
Trong hai trận còn lại, chiến thắng đều thuộc về đội đá sau. Peru hạ 4-3 Paraguay ở tứ kết và Argentina thắng Colombia 3-2 ở bán kết.
Các kết quả ở Copa America 2021 là một trong những nguyên nhân để nhiều người tin rằng đá trước hay đá sau trong loạt luân lưu không ảnh hưởng nhiều đến sự công bằng.
Tuy nhiên, tỷ lệ 100% các đội ở Euro 2020 thắng luân lưu nhờ đá trước vẫn khiến người ta băn khoăn. Bóng đá châu Âu có sự kỷ luật và khoa học nhiều hơn so với bóng đá Nam Mỹ. Điều đó có thể là một lý giải cho việc các đội bóng ở Euro tận dụng triệt để lợi thế đá trước.
Năm 2010, nghiên cứu từ Ignacio Palacios-Huerta, giáo sư Đại học Kinh tế London, thống kê đội đá luân lưu trước có xác suất thắng 60%.
Nếu thành công khi đá trước, áp lực cho cầu thủ đá sau của đối thủ sẽ lớn hơn. Nếu một đội thất bại khi đá trước, thủ môn của họ sẽ có cơ hội sửa sai ở lượt sau.
Điều đó lý giải việc nhiều chuyên gia và cầu thủ từng đòi thay đổi cách đá theo kiểu ABAB truyền thống (mỗi đội đá tuần tự đan xen).
Xác suất một cầu thủ phải đá luân lưu để chiến thắng khi đội nhà đang nắm lợi thế là 92%. Xác suất để một cầu thủ phải đá luân lưu để san bằng tỷ số với đối thủ là 62%. Vì thế, áp lực cho những kẻ bám đuổi trong loạt luân lưu luôn rất lớn.
Điều này xảy ra trong trận chung kết Euro 2020. Thông thường, Jorginho có 92% tỷ lệ thành công ở loạt thứ 5. Trong khi đó, Saka có 62% tỷ lệ thành công.
Việc áp dụng thể thức ABBA như loạt tie-break trong quần vợt được tính đến. Theo nghiên cứu từ Economic Inquiry, nếu áp dụng cách đá ABBA trong loạt luân lưu, sự chênh lệch xác suất của việc đá trước và đá sau không còn. Quần vợt giờ vẫn áp dụng cách thức này.
FIFA từng thử nghiệm ABBA vào năm 2017 ở các giải trẻ châu Âu và thế giới. Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã áp dụng ABBA ở Siêu cúp Anh (Community Shield) và League Cup mùa 2017/18. Hà Lan áp dụng ở mùa giải 2018/19.
Trong quãng thời gian đó, tỷ lệ các đội đá trước thắng trong loạt luân lưu chỉ là 50%.
Tính từ thời điểm FIFA thử nghiệm ABBA vào tháng 5/2017 đến khi kết thúc vào tháng 8/2018, có 36 trận áp dụng ABBA trong loạt luân lưu.
Kết quả, 18 lần các đội đá trước ở lượt đầu (A) thắng. 18 lần các đội đá sau (B) thắng. Xác suất 60-40 được giảm xuống còn 50-50 dựa theo mẫu kể trên.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, FIFA thông báo chấm dứt việc thử nghiệm ABBA trong loạt đá luân lưu. Quyết định của FIFA sau đó gây tranh cãi.
Trở lại truyền thống vì quá phức tạp?
Thực tế, FIFA không phải tổ chức có quyền thay đổi luật bóng đá. IFAB là đơn vị duy nhất trên thế giới quản lý và có quyền thay đổi luật bóng đá. Tổ chức này ra đời vào năm 1886, tồn tại độc lập với FIFA.
Năm 1904, FIFA ra đời và luôn tuân theo các thay đổi về luật của IFAB. Điều đó cũng xuất phát một phần từ việc FIFA có tiếng nói trong các quyết định của IFAB.
Trong cuộc họp hàng năm của IFAB, luật bóng đá chỉ được thay đổi nếu có sự đồng ý từ ít nhất 75% số thành viên, tức 6/8 phiếu thuận. IFAB dành 4 phiếu cho FIFA và 4 phiếu cho Anh, Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales, những nước tự nhận là quê hương bóng đá hiện đại.
Chính vì thế, vào tháng 11/2018, trong cuộc họp lần thứ 133 của IFAB diễn ra tại Glasgow (Scotland), tổ chức này thống nhất sẽ không áp dụng thể thức ABBA trong loạt đá luân lưu. Trước đó, FIFA cũng tuyên bố sẽ không sử dụng ABBA tại World Cup trên đất Nga.
Thể thức luân lưu mới bị nhiều thành viên phản đối vì tính phức tạp khi mỗi cầu thủ lên đá luân lưu. ABBA chỉ đơn giản nếu 5 loạt đá đầu tiên có kết quả thắng thua.
Nếu hai đội hòa sau 5 lượt và bước vào loạt đá thứ 6, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Cần lưu ý rằng tất cả cầu thủ còn trên sân sau 120 phút đều phải thực hiện luân lưu. Không ai được đá hai lần cho đến khi lượt thứ 11 kết thúc.
Nhiều thành viên IFAB cho rằng mọi thứ trở nên phức tạp hơn nữa nếu loạt luân lưu kéo dài đến hai con số.
Sự phức tạp và rắc rối này rơi về phía trọng tài và ban tổ chức. Trọng tài chính là những người có trách nhiệm ghi chép lại số áo và thứ tự mỗi khi có cầu thủ lên sút.
Mọi thứ với các HLV có thể đơn giản hơn bởi đa phần họ đều lên thứ tự đá của cầu thủ từ trước đó.
Người ta luôn có nhiều lý do để giải thích cho thất bại. Giống như cách Pique than phiền về việc người Italy thắng nhờ đá luân lưu trước. Tuy nhiên, thống kê thắng 100% của các đội được chọn đá luân lưu trước ở Euro 2020 nói lên nhiều điều.
Nếu người ta thường nói bóng đá hấp dẫn vì sự công bằng, thì phải chăng FIFA và IFAB nên lật lại vấn đề đá luân lưu. Bởi không đội bóng nào muốn mình mất chức vô địch chỉ vì chọn nhầm mặt của đồng xu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/den-luc-fifa-thay-doi-luat-da-luan-luu-post1238935.html