Đến Lý Sơn không thể ngó lơ ngôi giếng Xó La
Đến thăm đảo Lý Sơn mà không tham quan ngôi giếng Xó La cổ quý hiếm này, uống một ngụm nước trong lành tự tay múc lên là một thiếu sót lớn.
Quả đúng như lời một đồng nghiệp sống trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nói: “Hỏi giếng Vua, có thể có người dân trên đảo không biết, chứ hỏi giếng Xó La thì ở đây ai cũng biết!”.
Tôi đến chỗ đối diện cổng Trường THPT Lý Sơn, hỏi thăm một người dân đang ngồi dưới một tán bàng vuông rằng giếng Vua nằm ở đâu. Anh ta hỏi lại: “Giếng Xó La phải không?”.
Một thanh niên đang thi công bến tàu mới (sắp được đưa vào sử dụng) ngỏ ý có thể đi theo vì cậu ấy chuẩn bị đi lấy nước giếng Xó La về nấu ăn cho công nhân.
Từ con đường làng sát biển, nếu nhìn sang tay trái là khách sạn Mường Thanh, rẽ phải xuống khoảng chục mét gặp ngay giếng Xó La.
Đây là ngôi giếng cổ tồn tại hàng trăm năm, nằm cách bờ biển chỉ vài mét nhưng mạch nước dồi dào và trong, ngọt, mát quanh năm. Theo cách giải thích của người dân địa phương, “Xó” là cái xó, cái hốc, do giếng nằm khuất dưới một chân dốc, cặp sát mép biển, khuất tầm nhìn, nếu không để ý thì khó thấy. “La” là cây la, một tên gọi khác của cây tra. Cây la hiện nay không còn nhiều trên đảo Lý Sơn. Địa phương đã trồng rất nhiều cây bàng vuông vì cây bàng vuông hợp thổ nhưỡng và nhất là đặc trưng hơn.
Từ mặt đất xuống mặt nước giếng chỉ khoảng 6 – 7 mét, thành giếng xếp đá cuội tròn, tạo kẽ cho mạch nước chảy vào đáy giếng. Lúc đứng bóng, nhìn xuống đáy giếng, mặt cát trắng dưới đáy giếng phản quang óng ánh. Nước giếng múc lên, uống được ngay, nước trong veo, ngọt thanh và mát rượi. Theo người dân địa phương, dẫu trời làm khô hạn thì giếng Xó La bao đời nay cũng chưa bao giờ cạn nước:
Xó La nước ngọt lại thanh
Nằm bên mé biển dập dềnh sóng xô.
(Ca dao)
Thành giếng xi măng cao khoảng 70cm là do người đời sau xây dựng lại. Chữ cổ (tương truyền là chữ Hán) trên tấm bia ngay giếng cổ đã bị vôi vữa trét lấp mất. Hiện nay, bờ biển đã cách xa giếng cổ khoảng trăm mét do người ta lấp biển thi công xây dựng bến tàu mới. Nguyên thủy, giếng chỉ cách biển vài sải tay. Anh bạn đồng nghiệp kể, ba, bốn năm trước, chiều chiều vẫn thường đánh bắt cá cạnh giếng cổ này.
Giếng Xó La sở dĩ còn có tên là giếng Vua vì tương truyền giếng này do vua Gia Long khi đến thăm đảo Lý Sơn gặp mùa hạn hán bèn lập đàn cầu mưa. Đêm đó nhà vua nằm mộng, được trời chỉ cho chỗ mạch nước để đào giếng. Dân gian còn có truyền thuyết khác xa xưa hơn: khi Nguyễn Ánh còn đối đầu với nhà Tây Sơn, đã nương náu tại đảo Lý Sơn, nằm mộng được thần chỉ cho chỗ đào giếng này.
Song, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban trong công trình khảo cứu Quảng Ngãi, những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà cho rằng: “Thật sự trong sử sách không thấy Nguyễn Ánh bôn tẩu đến Lý Sơn hay vua Gia Long vi hành đến đảo. Thật sự đó chỉ là giếng người Chăm đào, gặp nguồn mạch nước ngọt dồi dào nên dù nằm ven biển, nước giếng vẫn ngọt và có nước quanh năm.” Giả thiết này có sức thuyết phục vì người Chăm vốn nổi tiếng với kỹ thuật đào giếng, nhất là ở những vùng sát biển, như giếng cổ ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chẳng hạn.
Đến thăm đảo Lý Sơn mà không tham quan ngôi giếng cổ quý hiếm này, uống một ngụm nước trong lành tự tay múc lên là một thiếu sót lớn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/den-ly-son-khong-the-ngo-lo-ngoi-gieng-xo-la-915992.html