Công viên Hòa bình Nagasaki được xây dựng vào năm 1955, khoảng 10 năm sau vụ ném bom nguyên tử, nằm trong khu phức hợp gồm nhiều công trình, di tích gắn với thảm kịch này. Ở phần đế của một bức tượng, thời điểm quả bom phát nổ tại thành phố Nagasaki là 11h02 ngày 9/8/1945 được thể hiện nổi bật.
Trong công viên có một cột đá đen trơn nhẵn đơn giản, đánh dấu vị trí tương đối nơi quả bom nguyên tử phát nổ. Cách đó không xa là một cột trụ của nhà thờ Urakami, công trình đã bị phá hủy trong vụ nổ.
Còn gọi là "hypocenter", cột đá màu đen nằm ở vị trí được coi là tâm chấn của vụ nổ bom nguyên tử. Từ vị trí này, một khu vực có bán kính khoảng 4km đã chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều nơi bị san phẳng hoàn toàn.
Một dấu tích của nhà thờ Urakami được đặt cạnh cột đá màu đen tạo ra sự tương phản. Trước vụ nổ, nhà thờ Urakami từng là nhà thờ lớn bậc nhất Đông Á bấy giờ.
Ngày nay khu vực này thu hút du khách từ nhiều quốc gia, vì vậy các bảng thông tin được trình bày chi tiết bằng nhiều ngôn ngữ.
Công nghệ thực tế ảo cũng được áp dụng tại đây, với các bức ảnh thực tế được chụp sau vụ nổ. Qua đó, du khách có thể hình dung sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử, cũng như cảm nhận sự phục hồi mạnh mẽ của nước Nhật sau thảm họa.
Những tháp chứa hạc giấy được bố trí nhiều nơi tại Công viên Hòa bình Nagasaki, gửi gắm khát vọng hòa bình cho các thế hệ sau.
Hai cột đá vốn thuộc về ngôi đền Shotokuji cách tâm chấn của vụ nổ bom khoảng 1,5km. Do vụ nổ, phần lớn các cấu trúc của ngôi chùa đã bị sụp đổ, ngoại trừ 2 cột đá này. Năm 1949, hai cột đá được đưa về Công viên Hòa bình Nagasaki với ý nghĩa cầu an cho các nạn nhân và một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình.
Các lớp đất bị cháy được phát hiện khi xây dựng Công viên Hòa bình Nagasaki, cũng như trong công cuộc tái thiết thành phố.
Những thiệt hại và sự tàn khốc của vụ nổ bom nguyên tử thu hút sự quan tâm của cả người dân Nhật Bản và du khách quốc tế.
Nhiều vật dụng bị đốt cháy hoặc chôn vùi dưới nhiều lớp đất vẫn được giữ nguyên, như một bài học trực quan để lại cho hậu thế.
Cách không xa khu vực tâm chấn là một đài phun nước và bức tượng Hòa bình. Đài phun nước như một lời cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử, trong số đó nhiều người đã chết khi đi tìm kiếm nước uống.
Điểm nhấn của công viên là bức tượng Hòa bình cao 10 mét, thiết kế bởi nhà điêu khắc Seibo Kitamura. Hàng năm vào ngày 9/8 tưởng nhớ vụ đánh bom nguyên tử, một lễ tưởng niệm vì hòa bình được tổ chức ở phía trước của bức tượng và có lời phát biểu của Thị trưởng Nagasaki.
Tay phải của bức tượng chỉ lên trên ý nói về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, trong khi cánh tay trái mở rộng ra tượng trưng cho hòa bình thế giới. Đôi mắt nhắm lại mang ý nghĩa cầu nguyện cho các nạn nhân. Chân phải của bức tượng mô tả sự thiền định, còn chân trái thể hiện tinh thần hành động vì nhân loại.
Bức tượng Hòa bình được xây dựng hài hòa với Công viên Hòa bình Nagasaki, đều mang ý nghĩa cầu nguyện cho hòa bình thế giới và hy vọng thảm kịch bom nguyên tử sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Nơi này từng là một nhà tù rộng lớn trên diện tích khoảng 13.000 m2, với các bức tường dày 0,25 mét, cao 4 mét và được gia cố sắt để chịu lực. Tuy nhiên vụ ném bom nguyên tử đã san phẳng công trình này và khiến 134 người chết tại đây.
Những chia sẻ xúc động của một nạn nhân vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki, cho biết "Trong số 32 công nhân tại nhà máy lúc đó, chỉ có tôi và 1 đồng nghiệp nữa đã sống sót một cách thần kỳ".
Công viên Hòa bình Nagasaki còn lưu giữ một loạt các tác phẩm nghệ thuật, công trình tưởng niệm do nhiều quốc gia đóng góp, nhằm bày tỏ sự đồng cảm, thiện chí và tình yêu hòa bình từ khắp nơi trên thế giới.
Tác phẩm có tên "Niềm vui cuộc sống" từ Tiệp Khắc gửi đến Công viên Hòa bình Nagasaki vào năm 1980.
Những tiếng chuông gửi gắm ước vọng hòa bình thường được gióng lên tại tháp chuông ở Công viên Hòa bình Nagasaki theo một lịch cố định, như ngày mùng 9 hàng tháng hoặc Ngày Quốc tế Hòa bình 21/9, đều vào lúc 11h02.
Hải Nam/VOV.VN