Đến năm 2020 sẽ giải quyết xong hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng sau chiến tranh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: Ngành LĐTBXH tập trung giải quyết những hồ sơ đã tiếp nhận trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ giải quyết xong tất cả hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng.
Phó Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân đã có thành tích trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị triển khai chỉ thị số 14- CT/TW của Ban Bí thư Trung Ương Đảng và tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Thời gian tới, ngành LĐTBXH tập trung giải quyết những hồ sơ đã tiếp nhận trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ giải quyết xong tất cả hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng. Bên cạnh đó là công tác quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hiện cả nước còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, nên cần nỗ lực hết mình để tìm kiếm khi có thông tin. Chế độ cho thương binh, liệt sĩ và người có công cũng sẽ nâng mức hỗ trợ, phấn đấu 100% người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng mức sống trung bình của địa phương.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trên cơ sở kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hiện có khoảng 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng, Bộ LĐTBXH đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt, nhằm kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ.
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 498 liệt sĩ.
Cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, các địa phương đã trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách. Theo báo cáo ban đầu, các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 998 tỷ đồng, với trên 2,44 triệu suất quà, thăm hỏi tặng cho các gia đình chính sách.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chi trên 44 tỷ đồng với 71.596 đối tượng, thành phố Hà Nội chi trên 200 tỷ đồng với 481.824 suất quà, tỉnh Hải Dương chi trên 31 tỷ với 62.434 suất quà ... Như vậy, theo thống kê, ngân sách nhà nước đã dành tổng cộng khoảng 1.392 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc người có công với cách mạng.
Về hỗ trợ người có công với cách mạng xây mới, sửa chữa nhà ở, tính đến ngày 31/5/2017, cả nước có 116.967 hộ đã hoàn thành hỗ trợ (61.080 hộ xây mới và 55.887 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 6.787 hộ (2.334 hộ xây mới và 4.453 hộ sửa chữa). Như vậy, tổng số hộ đã và đang thực hiện hỗ trợ nhà ở là 123.754 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ.
Ngày 25/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 là 313.707 hộ; kinh phí cần bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí).
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, trong tháng 10 tới, Bộ LĐTBXH sẽ thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh người có công, trong đó có 11 nội dung sửa đổi để thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng đến các cấp ủy, chính quyền.
Trong đó, Bộ tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn động sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có hồ sơ tồn đọng đang lưu trữ tại Sở LĐTBXH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.
Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các cơ quan Trung ương thực hiện việc giám sát việc thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.
Phấn đấu đến năm 2018 cơ bản số hóa công tác quản lý tra tìm dữ liệu về người có công và thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Đến năm 2020, sẽ số hóa mọi thủ tục hành chính về công tác chính sách đối với người có công trên phạm vi toàn quốc.