Đến năm 2022 chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: ANH NGỌC

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) tổ chức vào ngày 13/7, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 28 điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước. Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh dự hội nghị.

Theo Bộ NN-PTNT, sau gần 4 năm thực hiện chống khai thác IUU, phía Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị cũng như nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Phía EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đoàn thanh tra của EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU, như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA)… Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 32 vụ/53 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó đã xác định vi phạm vùng biển nước ngoài là 17 vụ/28 tàu; bị bắt giữ tại khu vực chồng lấn, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ là 15 vụ/25 tàu. Các địa phương có vụ việc vi phạm giảm đáng kể so với trước như các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre... Tuy nhiên, các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để công tác phòng, chống khai thác IUU đạt kết quả cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương. Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt và trọng tâm lâu dài; các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện nhằm sớm khắc phục những tồn tại, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” do EC đưa ra.

Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xây dựng một đề án riêng, phân công cụ thể từng bộ, ngành, địa phương… thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU trong thời gian tới đạt kết quả cao nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261128/den-nam-2022-cham-dut-tinh-trang-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai.html