Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước
Trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà nước.
Nhiều kết quả tích cực
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.
Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2020, dự thảo đề án đánh giá việc triển khai thực hiện cơ cấu lại DNNN trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, về cơ chế chính sách, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước (NN), đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn (TV) và hạn chế thất thoát vốn, tài sản NN trong quá trình CPH, TV, cơ cấu lại DNNN.
Về triển khai thực hiện CPH, giai đoạn 2016 – 2020, đã CPH được 180 doanh nghiệp (DN), theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 DN, tuy nhiên chỉ có 39 DN thuộc kế hoạch CPH theo kế hoạch, còn 89 DN chưa hoàn thành công tác CPH. Về giá trị bán được, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng là 104.726 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn NN tại DN. Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn NN tại DN). Tuy vậy, tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN từ công tác CPH là 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán).
Đối với công tác TV, về TV NN tại DN theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 DN với tổng giá trị vốn NN theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 DN (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng (đạt 11% tổng giá trị phải thoái). Về TV NN tại các DN theo tỷ lệ vốn NN quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn NN, thu về 110.392 tỷ đồng, gấp gần 30 lần giá trị sổ sách.
Về công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, dự thảo đề án đánh giá, về cơ bản, các DNNN đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thực hiện theo phương án cơ cấu lại được nâng cao, nhiều DN đã tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao, xây dựng được thương hiệu có uy tín, ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, các DNNN trong nhiều lĩnh vực trọng yếu đã có những đóng góp lớn trong việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Phấn đấu hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào năm 2025
Dự thảo đề án đánh giá, trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN đã có nhiều cố gắng triển khai các giải pháp theo các nhiệm vụ đề ra và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế khách quan cho thấy kết quả đạt được còn hạn chế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025 là tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đáp ứng một cách chủ động trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, cũng như sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, dự thảo đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tiếp theo. Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025.
Thứ hai, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 – 2020, theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn NN; đồng thời xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này, không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của NN, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt, xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của NN; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, TV các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho NN.
Theo đó, cần rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án CPH, TV với phương án phá sản, bán toàn bộ DN, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của NN chi phối.
Đối với những DN tiếp tục triển khai CPH, cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính, hoàn thành việc xác lập pháp lý cho các cơ sở nhà, đất trước thời điểm tiến hành xác định giá trị DN; thực hiện quyết toán công tác CPH đúng thời hạn, nộp tiền thu từ CPH theo đúng quy định. Đối với công tác TV NN tại DN, yêu cầu tính đúng, tính đủ giá trị phần vốn NN tại DN khi TV, nộp tiền thu từ TV theo quy định của pháp luật.../.
Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và đang trong quá trình tổng hợp, hoàn thiện dự thảo đề án để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2021.