Đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đấu đạt GRDP bình quân/người trên 200 triệu đồng
Sáng nay, kỳ họp thứ 11 (chuyên đề) HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, nội dung cơ bản quy hoạch thành phố tập trung ở một số vấn đề như thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển TP.Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung.
Một số chỉ tiêu chính đến năm 2030 bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5 - 10%/năm; GRDP (hay còn gọi là tổng sản phẩm trên địa bàn, là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong một khoảng thời gian nhất định) bình quân đầu người (theo giá cả hiện hành) đạt khoảng 200 - 220 triệu đồng/người (tương đương 8.000 - 8.500 USD).
Cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2030 gồm: khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1 - 2%; công nghiệp - xây dựng từ 29 - 30%; dịch vụ 61 - 62%, thuế sản phẩm 8 - 9%; phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 - 11%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11 - 12%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 800 nghìn tỉ đồng (giá hiện hành)...
Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 2,9%/năm; trong đó tăng tự nhiên khoảng 1,35 - 1,4%/năm. Đến năm 2030, dân số thường trú và tạm trú trên địa bàn thành phố khoảng 1,56 triệu người, nếu tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người; giai đoạn 2021-2030 giải quyết việc làm mới cho 32 - 35 ngàn người/năm; duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 66%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Riêng H.Hòa Vang phấn đấu đạt đô thị loại 4 vào năm 2025.
Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45 - 47%; diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thị đạt 9m2/người. Thống nhất khai thác có hiệu quả các trục hành lang kinh tế Đông-Tây, Bắc-Nam, trong đó cần sớm phát huy vai trò của các tuyến đường cao tốc qua thành phố.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột: du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị giá tăng cho trụ cột du lịch; kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn: cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.