Đến năm 2030 Lục quân của quốc gia nào mạnh nhất thế giới?
Lục quân là lực lượng quan trọng trong tác chiến mặt đất, nhiều quốc gia tiếp tục tăng cường đầu tư cho lực lượng này, đến năm 2030 đây sẽ là một trong những lực lượng 'đáng sợ'.
Theo báo cáo mới đây của tạp chí National Interest (Mỹ), kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trọng tâm của hoạt động tác chiến mặt đất đã có những thay đổi to lớn. Lực lượng Lục quân đã không còn được nhiều nước châu Âu chú trọng phát triển, đầu tư, những nước này cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, hoạt động tác chiến mặt đất chỉ còn là thu dọn chiến trường.
Thứ nhất là Mỹ: Kể từ năm 1991, Quân đội Mỹ đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” cho các lực lượng tác chiến mặt đất. Thất bại của quân đội Iraq năm 1991 và bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 2003, vẫn là cuộc chiến ấn tượng nhất của Lục quân Mỹ kể từ cuối những năm 1960. Trong 15 năm qua, Lục quân Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Iraq và Afghanistan, thông qua các hoạt động này, Lục quân Mỹ, nhất là lực lượng tác chiến đặc biệt đã trở nên mạnh mẽ hơn y.
Cùng với đó, Lục quân Mỹ cũng không ngừng được đổi mới, nâng cấp đồng thời được chia sẻ tài nguyên với Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến. Mặc dù tăng trưởng tương đối chậm trong thập kỷ qua, nhưng sức mạnh của lực lượng này vẫn rất lớn. Một số thiết bị được Lục quân Mỹ sử dụng có thể bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng hầu hết đều đã trải qua một loạt nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn chiến tranh hiện đại.
Lực lượng máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Lục quân Mỹ là lực lượng lớn nhất trên thế giới và có khả năng tiến hành các cuộc tấn công với độ chính xác cao. Đến năm 2030, Lục quân Mỹ vẫn tiếp tục là lực lượng đáng sợ nhất trên thế giới, khoảng cách về sức mạnh của Lục quân Mỹ với các nước khác cũng ngày càng trở nên xa hơn.
Thứ hai là Nga: Cuối Chiến tranh Lạnh, Lục quân Nga đã trải qua một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn, mất đi phần lớn nguồn lực và ảnh hưởng chính trị. Tổ hợp công nghiệp quân sự cũ dần suy tàn, khiến Lục quân Nga chỉ còn lại những trang thiết bị lỗi thời và được bảo trì kém.
Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi. Sự cải thiện của nền kinh tế Nga cho phép Moscow đầu tư nhiều hơn vào quân đội. Các cuộc cải cách, đặc biệt là cải tổ quân đội tinh nhuệ, đã giúp Nga chiến thắng trong Chiến tranh Chechnya. Lục quân Nga đã nhanh chóng đánh bại quân đội Gruzia vào năm 2008 và sáp nhập Crimea vào năm 2014. Trong vài năm qua, mặc dù Lục quân Nga đã nhượng lại một số nguồn lực nhất định cho Hải quân và Không quân, nhưng lực lượng vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong ảnh hưởng của Moscow ở nước ngoài.
Đến năm 2030, Lục quân Nga sẽ vẫn là một lực lượng mạnh mẽ, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó có vấn đề công nghệ. Mặc dù ngành công nghiệp quân sự của Nga đã giải quyết được những khó khăn từ thời Liên Xô, nhưng việc đổi mới công nghệ và hệ thống sản xuất lại đang đối mặt với khó khăn.
Đồng thời, nguồn nhân lực của Nga cũng có thể nhiều vấn đề do quân đội Nga dường như đang ở giữa mô hình nghĩa vụ cũ và hệ thống mới. Tuy nhiên, dù cho thế nào đi nữa thì Lục quân Nga vẫn là lực lượng khiến đối phương phải dè chừng, nhất là trong các hoạt động hỗn hợp.
Thứ ba là Pháp, trong số tất cả các quốc gia châu Âu, Pháp là quốc gia có thể sẽ giữ lại đội quân mặt đất mạnh mẽ nhất trong tương lai. Pháp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới và xác định rõ ràng rằng phải có một lực lượng mặt đất đủ mạnh để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Quan điểm này sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai và thậm chí có thể càng tăng mạnh khi Pháp kiểm soát tốt hơn đối với các thể chế an ninh và quân sự của EU.
Ngành công nghiệp quân sự của Pháp đã duy trì một động lực mạnh mẽ cho cả mục đích sử dụng riêng và xuất khẩu. Lục quân Pháp có trang thiết bị chỉ huy và thông tin liên lạc hiện đại, hỗ trợ hầu hết các lực lượng của NATO, đồng thời có thể sử dụng thiết bị dã chiến hạng nhất, bao gồm xe tăng và pháo. Chính phủ Pháp cam kết duy trì một ngành công nghiệp vũ khí mạnh trong nước có lợi cho Lục quân Pháp.
Lục quân Pháp có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động cường độ thấp đến trung bình, đội quân này đã chiến đấu trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Bắc Phi, sử dụng lực lượng chính quy để hỗ trợ người dân địa phương và đánh bại kẻ địch.
Lục quân Pháp cũng được hỗ trợ bởi hai lực lượng khác: Thủy quân lục chiến Pháp có khả năng viễn chinh đáng ngưỡng mộ, trong khi Không quân Pháp ngày càng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, bao gồm tấn công chiến trường, vận tải và trinh sát. Tính mô-đun và tính chuyên môn hóa của Lục quân Pháp giúp quân đội nước này dễ dàng triển khai trên nhiều khu vực.
Thứ tư là Ấn Độ:Lục quân Ấn Độ đang chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu với lực lượng tác chiến mặt đất xuất sắc nhất thế giới. Cùng với đó, Lục quân Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động chiến đấu với nhiều cường độ khác nhau, bao gồm cả chiến đấu du kích trong nước, các tổ chức nổi dậy và nhiều lực lượng vũ trang nhỏ hơn khác.
Lục quân Ấn Độ từ lâu đã được huấn luyện chiến đấu thực tế và chuẩn bị đầy đủ cho hoạt động tác chiến mặt đất cường độ cao với Pakistan. Những kinh nghiệm này đã “mài dũa” Lục quân Ấn Độ như một công cụ hiệu quả cho các chính sách đối ngoại và đối nội của New Delhi.
Mặc dù trang bị của Lục quân Ấn Độ thua xa các đối thủ về nhiều mặt nhưng Ấn Độ có vô số lựa chọn trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Nga, Châu Âu, Israel và Mỹ luôn sẵn sàng bán vũ khí cho Ấn Độ. Mặc dù cần phải cạnh tranh với không quân và hải quân, nhưng Lục quân Ấn Độ vẫn có nhiều cơ hội hơn để có được công nghệ tiên tiến trong tương lai, điều này sẽ khiến lực lượng này ngày càng hùng mạnh.
Thứ năm là Trung Quốc:Kể từ những năm 1990, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành cải tổ toàn diện Lục quân. Với sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm 1990 và 2000, Lục quân Trung Quốc được đầu tư nhiều kinh phí và trang bị kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh cải cách, tinh giản để để trở thành một tổ chức quân sự hiện đại.
Các cải cách bao gồm hiện đại hóa trang thiết bị quy mô lớn, đào tạo thực hành và chuyên nghiệp hóa. Đến năm 2030, Lục quân Trung Quốc cũng lọt vào top những lực lượng mạnh mẽ nhất thế giới, tuy nhiên, một điều mà Quân đội Trung Quốc còn thiếu là kinh nghiệm chiến đấu thực tế, khả năng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật cao.