Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế

n năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Ảnh: TL

Bài liên quan

BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII dự kiến 71 người

Thủ tướng phê chuẩn ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội

Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu

Thông tin tại cuộc họp báo về Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, vừa tổ chức chiều nay 6/10, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, trên cơ sở đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, Báo cáo rút ra 5 kinh nghiệm và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Báo cáo chính trị cũng đề ra 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế 06 chỉ tiêu; văn hóa - xã hội 06 chỉ tiêu; quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường 05 chỉ tiêu; xây dựng Đảng 03 chỉ tiêu…

Ba khâu đột phá

Ba khâu đột phá được lựa chọn là, thứ nhất là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu..., kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị, cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Thứ ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch... Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bản Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống.

Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, hiện nay dù được đầu tư nhưng hạ tầng của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, do đó cần phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, trong đó cần lưu ý đến hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số rất quan trọng.

Trung ương đã cho phép Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, bắt đầu thực hiện từ năm 2021, tạo nên điều kiện, cơ hội để thành phố chủ động hơn trong việc điều hành quản lý. Trung ương đã thống nhất trên cơ sở đề xuất của Hà Nội sẽ bổ sung sửa đổi Luật Thủ đô, tạo thêm cơ chế phù hợp cho Hà Nội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Đồng thời sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ mới để tạo chủ động, phát huy được hết nguồn lực, sự năng động của cấp cơ sở gắn với việc thí điểm chính quyền đô thị và cũng cố chính quyền nông thôn.

Cũng theo ông Phong, thành phố coi chuyển đổi số là động lực để phát triển. Đặc biệt, nhiệm kỳ tới, sẽ đưa yếu tố văn hóa và con người Hà Nội là nguồn lực to lớn, quan trọng mang tính phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-nam-2045-ha-noi-tro-thanh-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-co-suc-canh-tranh-quoc-te-post99917.html