Đến ngày 11/1/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa 88.488 căn nhà tạm, nhà dột nát
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số liệu đến hết ngày 11/1/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà). Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang.
Gần 100% huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát
Theo đó, báo cáo tình hình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (chiều 12/1), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ khi Thủ tướng phát động Chương trình ngày 5/10/2024 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 16 văn bản đôn đốc, triển khai, hướng dẫn triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
"Đến nay, gần 100% huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phát động huy động toàn xã hội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cùng sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc các cấp", ông Đào Ngọc Dung nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ được Thủ tướng giao. 58 tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, 5 tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng các địa phương này vẫn tổ chức rà soát tổng thể.
Có 32 địa phương ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh, 474 huyện thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, 6.054 xã thành lập ban chỉ đạo cấp xã. 50 địa phương ban hành kế hoạch triển khai công tác, 1 địa phương ban hành quyết định phê duyệt yêu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, 31 địa phương tổ chức phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát. Kinh phí huy động 2.316 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 12 địa phương đã nhận được hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp, với kinh phí 1.370 tỷ đồng: Hà Giang, Bắc Giang và một số địa phương đã huy động gần 90.000 ngày công hỗ trợ bà con xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Số liệu đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà). "Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang", ông Đào Ngọc Dung nói và cho biết thêm, chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở người có công theo Quyết định 21 của Thủ tướng khi chưa được triển khai cấp kinh phí, nhưng một số địa phương, một số tỉnh đã ứng kinh phí để triển khai 5.196 căn cho người có công để kịp đón tết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, một số địa phương rất khó khăn như Hà Giang, qua kiểm tra đã khởi công mới và khánh thành trên 2.000 căn cho người nghèo trước Tết, chiếm 71% căn nhà cần hỗ trợ. 4 địa phương hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu của địa phương và Trung ương, 1 địa phương quyết tâm hoàn thành vào ngày 3/2/2025 là Bắc Ninh, 7 địa phương sẽ hoàn thành trong quý II/2025. 12 địa phương chậm nhất là quý III/2025, một số địa phương cũng chủ động vận động nguồn lực lớn như Nghệ An là 843 tỷ, Quảng Ngãi 242 tỷ đồng, Thanh Hóa 222 tỷ đồng…
Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền là 460 tỷ đồng cho 5 địa phương (Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hoàn thành chuyển kinh phí (400 tỷ đồng) cho địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn "Nhà Đồng đội" và "Nhà Đại đoàn kết".
Các đơn vị đã chuyển đủ kinh phí theo đúng cam kết với Thủ tướng là Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Masan, Ngân hàng Agribank, VP Bank, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội…
Một số địa phương chưa huy động nguồn lực, còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Dung, vẫn còn một số vấn đề như: Một số địa phương tuy triển khai kế hoạch xây dựng, ban hành quyết định triển khai của Ban Chỉ đạo nhưng quá trình tổ chức rất chậm, thậm chí có đơn vị chưa xây dựng kế hoạch, chưa tổ chức phát động. Một số địa phương chưa huy động nguồn lực trên địa bàn, đang còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương, chưa chủ động, quyết liệt mặc dù trong kết luận của Thủ tướng nêu rất rõ. Một số nhà đầu tư và địa phương chưa thống nhất quá trình triển khai, thậm chí nhà đầu tư chậm, địa phương không chủ động mà chờ nhà đầu tư.
"Như Thủ tướng trong phát động đã nói, đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, cao cả, do đó, đề nghị các địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo, chưa ban hành kế hoạch, chưa tổ chức triển khai phải khẩn trương triển khai ngay trong tuần sau", Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương phân bổ kinh phí 5% tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024. Đối với chương trình người có công, khẩn trương triển khai ngay.
Đối với chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi có quyết định của Thủ tướng, đề nghị điều chỉnh theo quy định.
Sau cùng, các địa phương và nhà tài trợ đã cam kết ngày 5/10/2024 cần khẩn trương làm việc với nhau để nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo lại Bộ, báo cáo Thủ tướng.