Đến nơi công cộng trẻ dễ bị lạc, phụ huynh cần trang bị ngay cho bé những kỹ năng này để bảo vệ bản thân

Trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi bị lạc ở những nơi công cộng, đông người là điều cần thiết mà các bậc phụ huynh nên lưu tâm.

Trẻ bị lạc ở những nơi vui chơi công cộng không còn là điều hiếm gặp, nhất là tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sân bay, nhà ga,… Để tránh những trường hợp xấu xảy ra, phụ huynh nên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình và có cách xử lý nhanh nhất. Vậy, những kỹ năng đó là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây

1. Dạy bé bình tĩnh, đứng yên tại chỗ để quan sát và tuyệt đối không đi theo người lạ

Khi trẻ bị lạc cha mẹ thì các con chắc chắn sẽ rất hoang mang, lo sợ. Cha mẹ hãy hướng dẫn con biết cách bình tĩnh, không được khóc vì khóc sẽ gây chú ý với những kẻ xấu, dặn con nên đứng yên một chỗ để quan sát và tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tuyệt đối không đi theo người lạ.

Nên trang bị cho trẻ những kỹ năng khi đưa bé đi chơi ở những nơi công cộng.

Nên trang bị cho trẻ những kỹ năng khi đưa bé đi chơi ở những nơi công cộng.

2. Dạy con biết từ chối nhận đồ ăn, đồ chơi, quà của người lạ

Cha mẹ nên tập cho trẻ biết cách nói "không" với người lạ. Dặn con đặc biệt cẩn trọng với những người lạ cứ dụ cho bé ăn quà, cho quà, dụ bé đi theo hay nhờ bé giúp làm một việc gì đó (bởi người lớn đàng hoàng thường sẽ chỉ nhờ một người lớn khác giúp mình). Cha mẹ hãy dặn con biết giữ khoảng cách với những người lạ đó.

Hãy nói với trẻ rằng chúng có thể la hét hoặc thét lên nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi. Dạy cho trẻ cách đối phó trường hợp đó là hét lên "cứu với", "cháu không biết cô/chú này là ai". Bố mẹ cần tập cho trẻ cách la hét và kháng cự mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của người xung quanh nếu thấy gần đó có người, những người xung quanh sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp. Bé hãy chạy thật nhanh đến chỗ có nhiều người lớn gần đó.

3. Dạy con cách tìm kiếm người giúp đỡ

Nguyên tắc "không nói chuyện với người lạ" nếu không được chỉ dẫn đúng cách có thể đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, nó có thể làm cho con bạn ngần ngại, không dám nhờ giúp đỡ trong khi bản thân bé không tự xoay sở được. Đã có trường hợp người ta phải mất 4 ngày đêm mới tìm thấy một đứa bé chỉ vì bé đã cố gắng trốn tránh đội tìm kiếm.

Vì vậy, bạn hãy cho con biết cách phân biệt: Con nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nên nói như thế nào? Hãy dặn con tìm đến những người có mặc đồng phục, đeo bảng tên (bạn nên chỉ cho bé thấy để dễ nhớ) đó là những người làm việc tại công viên hay cửa hàng… Bé cũng có thể tìm các chú công an, bảo vệ của trung tâm hay các bố mẹ đi cùng con nhỏ để nhờ giúp.

Về phía bố mẹ, bạn cũng cần nhanh chóng đi nhờ giúp đỡ khi không tìm thấy con. Nếu nghi ngờ con mình đã bị ai đó bắt đi, hãy nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an ngay lập tức.

Dạy con những kỹ năng khi đi lạc, luôn bình tĩnh và ghi nhớ những thông tin của bản thân và bố mẹ.

Dạy con những kỹ năng khi đi lạc, luôn bình tĩnh và ghi nhớ những thông tin của bản thân và bố mẹ.

4. Dạy con những thông tin quan trọng

Dạy con tên của mình ngay từ khi bập bẹ biết nói và cả họ tên của bố mẹ. Nhiều đứa trẻ chỉ biết gọi "mẹ" hoặc "bố", điều đó sẽ gây bất lợi trong tình huống đi lạc. Nếu trẻ biết tên của bố mẹ, thì có thể gọi to tên hoặc báo với nhân viên bảo vệ tên bố mẹ mình thì sẽ dễ dàng hơn.

Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con ghi nhớ số điện thoại của mình, nhớ địa chỉ nhà và thường xuyên nhắc lại hàng ngày để kiểm tra để phòng khi trẻ bị lạc...

Tuy nhiên khi hoảng sợ bé vẫn có thể quên những thông tin này, vì vậy:

- Với trẻ dưới 6 tuổi, cách tốt nhất là hãy luôn để con đem theo bên mình một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của bạn và của một người thân khác có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc con nhớ rằng tờ giấy này bé phải cất kỹ và chỉ đưa cho người có trách nhiệm, có thể giúp bé.

- Nếu con bạn đã lớn một chút, hãy định ra một nơi dễ nhận biết để tập trung lại trong trường hợp bị lạc nhau. Địa điểm này nên dễ tìm, dễ đến (có thể ở quầy hướng dẫn, quầy thu ngân siêu thị…). Và không phải là thừa đâu nếu mỗi khi đến nơi công cộng, bạn đều nhắc lại điểm hẹn với con nếu bị lạc. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy dặn bé đứng yên tại chỗ và chờ. Cho con biết rằng bạn sẽ đi tìm nếu bé bị lạc, nên bé cần đứng nguyên tại chỗ để bạn có thể tìm thấy thay vì cố gắng đi tìm bạn.

Về phần bạn, hãy đặt mức chuông điện thoại cao một chút để bạn có thể nghe thấy cuộc gọi đến trong đám đông.

5. Trang bị công cụ hỗ trợ cho con

Với trẻ dưới 6 tuổi, một mẹo nhỏ cũng khá hữu ích khi cho con đi chơi ở chốn đông người là hãy đưa cho trẻ chiếc còi đồ chơi và dặn chúng thổi mỗi khi bị lạc bố mẹ, bởi vì bạn có thể nghe âm thanh của chiếc còi từ khá xa đó.

Nếu con bạn đã lớn một chút, bạn nên trang bị cho bé một một thiết bị liên lạc như đồng hồ thông minh trẻ em hoặc điện thoại di động để bé có thể gọi điện thoại, nhắn tin hoặc sử dụng nút liên lạc khẩn cấp SOS để kết nối với bạn hay người thân trong gia đình.

Nút liên lạc khẩn cấp SOS trên đồng hồ thông minh trẻ em là một trong những tính năng đặc biệt quan trọng giúp ích cho trẻ khi chúng bị hoảng loạn đấy bạn ạ, bạn nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng nút SOS này mỗi khi gặp nguy hiểm nhé.

Ngoài ra, các loại đồng hồ thông minh trẻ em còn có chức năng định vị, cũng có thể giúp bạn được khá nhiều trong việc khoanh vùng vị trí của con khi trẻ bị lạc.

Phụ huynh nên bình tĩnh để xử lý tình huống khi con bị lạc.

Phụ huynh nên bình tĩnh để xử lý tình huống khi con bị lạc.

Trong lúc con bị lạc, phụ huynh không nên phát hoảng và dạy bé cũng làm như vậy. Giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất. Phát hoảng lên sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định không tốt và có thể làm cho tình huống trở nên xấu hơn đi.

Càng sớm càng tốt, tìm đến những người có trách nhiệm như quản lý quầy hàng hay bảo vệ và bình tĩnh cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé… Luôn giữ trong ví ảnh gần nhất của con để việc tìm kiếm dễ dàng hơn.

Lưu ý: Mặc dù bạn rất hoảng sợ, thậm chí hết cả hồn vía khi con đi lạc nhưng sau đó đừng mắng mỏ, trách móc con... mà hãy củng cố tâm lý cho con vì bé cũng vừa trải qua những nỗi sợ hãi, sang chấn nhỏ. Hãy dịu dàng vỗ về con, cho con hiểu được việc đi lạc nguy hiểm thế nào và dặn con thật chú ý trong những lần sau.

7. Dạy trẻ cách sử dụng các phương tiện công cộng

Đối với trẻ từ 10 tuổi trở lên, khi có thời gian rảnh, bố mẹ nên đi cùng trẻ đến nhiều nơi và hướng dẫn trẻ cách sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, taxi, xe ôm… Trong trường hợp đi lạc và ghi nhớ địa chỉ nhà thì trẻ có thể tìm cách về nhà với các phương tiện công cộng và những người lớn đáng tin cậy xung quanh. Ngoài ra, trong trường hợp trẻ không mang theo tiền theo bố mẹ cũng phải hướng dẫn cho trẻ cách nói rõ vấn đề của bản thân cho tài xế xe bus, tài xế xe ôm và nhờ họ chở trẻ về nhà sau đó người thân sẽ trả tiền.

8. Nói chuyện với con về tình huống đi lạc

Bố mẹ cũng nên nói chuyện về vấn đề này để giúp bé ghi nhớ, hỏi bé các tình huống khác nhau như: "Con sẽ làm gì nếu không nhìn thấy bố mẹ?" hoặc "Con sẽ làm gì nếu người lạ đến nói với con nên đi theo họ để tìm bố mẹ?". Khi trả lời được những câu hỏi này, dần dần con sẽ ghi nhớ và làm theo nếu chẳng may tình huống đi lạc xảy ra.

Khi đi cùng trẻ tới những nơi công cộng hay đông người, ba mẹ hãy cố gắng giữ trẻ ở trong tầm quan sát của mình. Khi phụ huynh phát hiện trẻ bị lạc, đầu tiên nên tìm đến những nơi có phát loa để thông báo nhờ phối hợp hỗ trợ tìm kiếm. Bạn phải liên lạc càng nhanh càng tốt với người có trách nhiệm ở khu công cộng đó.

Ba mẹ cần bình tĩnh tránh hoảng loạn khiến tâm trí phân tâm, không đưa ra được nhanh quyết định sáng suốt. Sau khi tìm được trẻ, mau chóng lấy lại thăng bằng cho trẻ bởi ít nhiều trẻ cũng sang chấn tâm lý như stress, khủng hoảng, ám ảnh. Tuyệt đối không trách móc hay mắng nhiếc trẻ vì trẻ bị lạc không phải là tội lỗi.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/den-noi-cong-cong-tre-de-bi-lac-phu-huynh-can-trang-bi-ngay-cho-be-nhung-ky-nang-nay-de-bao-ve-ban-than-172230928183659217.htm