Đền ơn, đáp nghĩa phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói 'Đền ơn, đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện'.
Thực hiện lời nhắn nhủ của Bác, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên lại có những hoạt động vô cùng ý nghĩa để tri ân, đền ơn, đáp nghĩa các gia đình liệt sĩ cũng như các thương bệnh binh đang điều trị tại các Trung tâm điều dưỡng.
Nằm trong chuỗi hoạt động đền ơn, đáp nghĩa của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty Supe Lâm Thao nhân Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), chiều ngày 21/7/2023, Đoàn cán bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) do ông Lê Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.
Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Huy Thông, Chủ tịch Công đoàn Hóa chất Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn HC Việt Nam; ông Phạm Thanh Tùng, Bí Thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Supe Lâm Thao; Lê Văn Hoằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Supe Lâm Thao.
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ hiện đang trực tiếp chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng 30 thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, mất sức lao động từ 81% trở lên, quê tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình và Phú Thọ. Hằng năm, Trung tâm còn có nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên 2.000 người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, ông Lê Hoàng, UV BTV Tập đoàn, UV BCH Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, điều kiện sống và làm việc của các thương binh, bệnh binh cũng như thân nhân các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ. Phó Tổng giám đốc Lê Hoàng mong muốn các thương, bệnh binh và gia đình luôn khỏe mạnh, an tâm điều dưỡng, để tiếp tục cống hiến trí tuệ của mình, góp phần xây dựng quê hương.
Nhân dịp này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trao tặng 25 triệu đồng và Công ty Supe Lâm Thao trao tặng 20 triệu đồng cho Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh để hỗ trợ các thương, bệnh binh khám chữa bệnh.
Chiều cùng ngày, tại trụ sở của Công ty Supe Lâm Thao, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty Supe Lâm Thao đã trao 9 suất quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đang công tác tại công ty. Mỗi suất quà của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trị giá 1 triệu đồng, mỗi suất quà của Công ty Supe Lâm Thao trị giá 500.000đ.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hoàng đã gửi lời thăm hỏi và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là nghĩa cử cao đẹp nhằm động viên, chăm sóc gia đình có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Công ty Supe Lâm Thao hiện có 9 người là con gia đình liệt sĩ, trong đó có 5 người hiện đang làm việc tại Công ty và 4 người hiện đang làm việc tại Chi nhánh Công ty ở Hải Dương. Hoàn cảnh chung của các gia đình liệt sĩ là các con đều chưa được thấy mặt bố hoặc là quá nhỏ nên cũng không nhớ mặt bố như thế nào.
Anh Hà Văn Bình - Giám đốc xí nghiệp A xít tâm sự, bố anh là cán bộ tập kết ra Bắc từ năm 1954. Năm 1965, khi mẹ anh mang thai anh thì bố được lệnh lên đường đi B (vào chiến trường miền Nam). Kể từ đấy, gia đình anh không có tin tức gì của bố. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh mới thông báo cho gia đình biết bố anh đã hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1968. Lúc đó anh mới 10 tuổi, mặc dù chưa bao giờ được gặp bố nhưng anh vẫn cảm nhận được nỗi đau khi mất đi người thân. Bao nhiêu hy vọng rằng bố sẽ trở về đều tan biến hết. Sau này, gia đình mới được Trung tâm lưu trữ Quốc gia bàn giao thông tin của bố từ trước khi đi B. Khi đọc những dòng thông tin về bố, anh đã rất xúc động.
Còn bố của anh Nguyễn Văn Thái, công nhân Xí nghiệp điện nước thì nhập ngũ khi anh được 2 tuổi. Tuy nhiên, từ lúc bố đi bộ đội cho đến lúc hy sinh, chưa về thăm nhà lần nào nên anh cũng không thể nhớ mặt bố. Bố anh hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1984. Không biết rõ thời điểm hy sinh chính xác là ngày nào.
Anh Chu Ngọc Minh, công nhân Xí nghiệp điện nước có bố hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1972. Cứ đến ngày thương binh liệt sĩ trong anh lại dâng đầy cảm xúc. Cũng giống anh Bình và anh Thắng, anh Minh cũng không nhớ gương mặt của bố thế nào. Toàn bộ ký ức về bố mà anh biết đều qua những lời kể của mẹ. Anh chia sẻ: "Từ ngày vào làm việc ở Công ty Supe Lâm Thao cũng đã 32 năm, năm nào đến ngày Kỷ niệm Thương binh - sĩ cũng nhận được sự quan tâm của Công ty đối với chúng tôi. Ngoài ra, Công ty cũng chăm lo đến đời sống của người lao động, công việc ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm làm việc cống hiến cho công ty."