Đèn pin bắn ngược, nhãn cầu mắt bé gái 5 tuổi bị đẩy ra ngoài
Khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TP HCM vừa tiếp nhận điều trị bé gái 5 tuổi bị tụ máu hốc mắt, gây ra bởi một loại vật dụng quen thuộc và thường gặp trong gia đình - đèn pin.
BS Phạm Thị Ngọc Tiên cho biết, bệnh nhi N.M.G.H (5 tuổi, Tây Ninh) đã đến khám Bệnh viện Mắt TP HCM trong tình trạng mắt trái sưng bầm.
Tai nạn xảy ra khi bé và em gái 3 tuổi đang chơi cùng nhau trong phòng ngủ. Hai chị em đang giành nhau một món đồ chơi là đèn pin đội đầu của bố. Em gái thả tay cầm đầu đèn pin, làm đầu đèn pin bật ngược, bắn vào mắt trái bé H.
Đèn pin đội đầu thường có phần đèn nặng to và cứng còn phần dây thun co giãn được.
Sau tai nạn, người nhà không thấy mắt trái bé H có gì bất thường nên đã bỏ qua. Ngày hôm sau mi dưới mắt trái bé xuất hiện vết bầm da. Vết bầm đậm và lớn nên gia đình đưa bé đi khám mắt tại một phòng khám gần nhà.
Bé được cho thuốc uống và nhỏ mắt trong 2 ngày. Tuy nhiên đến ngày thứ 3, người nhà thấy mắt trái bé bắt đầu lồi ra ngoài nên đưa bé đi khám tại Bệnh viện Mắt TP HCM.
Các bác sĩ ghi nhận thị lực mắt trái bé H. là 3/10, tăng lên 6/10 khi nhìn qua kính lỗ, nhãn áp tăng nhẹ 23 mmHg, tụ máu mi mắt trên và dưới, nhãn cầu lồi lệch trục, mắt nhắm không kín, giới hạn vận nhãn tất cả các hướng, phù gai thị độ 1 - 2.
Trên siêu âm mắt và CTScan, bác sĩ ghi nhận hình ảnh khối máu tụ trong hốc mắt có kích thước 19,2 x 30 mm, nằm trong chóp cơ, chèn ép thị thần kinh và đẩy nhãn cầu ra trước, xuống dưới.
Bé H. được chỉ định nhập viện khoa Mắt Nhi và điều trị với các thuốc kháng viêm, hạ nhãn áp, tan máu đông và nước mắt nhân tạo.
Khối máu có kích thước lớn với dấu hiệu chèn ép thần kinh thị, có chỉ định phẫu thuật, nằm ở khá sâu trong hốc mắt.
Sau 2 ngày theo dõi, mi mắt bé H giảm sưng, nhãn cầu bắt đầu vận nhãn được các hướng tuy còn khó khăn, nhãn áp được kiểm soát, thị lực cải thiện (từ 3/10 lên 5/10), nên bé được tiếp tục điều trị nội khoa.
Sau 11 ngày nằm viện, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt hơn, thị lực tăng lên 6/10, vận nhãn được các hướng, có giảm hạn chế nhìn lên. Siêu âm kiểm tra thấy khối máu tụ giảm kích thước còn khoảng 16 x 24 mm, do đó bé được cho xuất viện và tiếp tục theo dõi ngoại trú.
BS Ngọc Tiên khuyến cáo, hàng năm, khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM tiếp nhận không ít bệnh nhi bị chấn thương mắt do tai nạn sinh hoạt hoặc nô đùa, đa số là trẻ nhỏ, thường do sự bất cẩn của các bé hoặc do sự chủ quan của người lớn trong việc chăm nom các bé.
Các tổn thương ở mắt gây ra do chấn thương rất đa dạng, có thể từ đơn giản như bầm da mi đến phức tạp tới mức phải bỏ mắt.
Trên thực tế, các tình huống xảy ra với chấn thương mắt gây ra do vật thể hình tù rất đa dạng (như quả bóng tennis, bi, ná, … ở ca bệnh trên là đầu đèn pin), và đa dạng về kiểu tổn thương (tụ máu mi, tụ máu hốc mắt, xuất huyết tiền phòng, xuất huyết dịch kính, bệnh lý thị thần kinh sau chấn thương…).
Chấn thương vùng mắt không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nếu nghiêm trọng còn có thể gây giảm thị lực, hay mất thị lực không hồi phục như trong trường hợp bệnh lý thần kinh thị sau chấn thương.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ đang còn trong quá trình hoàn thiện chức năng thị giác, bất kì một tổn thương nào làm giảm thị lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác và chất lượng cuộc sống sau này của bé.
Vì vậy, gia đình và nhà trường nên giáo dục các bé ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Với các bé nhỏ chưa biết cách bảo vệ mình, người thân và người chăm sóc nên dành cho các bé một sự quan tâm cẩn thận nhất định.
Khi có tai nạn xảy ra, nên đưa các bé đi khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh các biến chứng, hậu quả xấu về sau.
Mời độc giả xem thêm video Cách chăm sóc và bảo vệ đôi mắt khi học và làm việc trực tuyến: