Đền Quan Thánh Đế Quân, điểm giao thoa văn hóa Việt – Hoa

Trong khu vực chợ thuộc thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An có một ngôi chùa nhỏ, cổ kính, khiêm tốn nằm giữa những dãy nhà san sát. Mái ngói âm dương hoài cổ là minh chứng cho sự hòa hợp, giao thoa văn hóa Việt - Hoa trong quá trình khai hoang, lập ấp ở miền Nam. Đó là chùa Ông hay còn gọi là đền Quan Thánh Đế Quân.

Quan Công - vị thánh của người hoa và người Việt

Đền Quan Thánh Đế Quân là nơi thờ phụng Quan Công. Ông còn nhiều tên gọi khác như Quan Công Xích Đế, đức Quan Đế, Quan Vân Trường hay Quan Vũ, là nhân vật lịch sử thời Tam Quốc cuối đời nhà Hán, được thờ phụng bởi lòng chung thủy, sự hy sinh, độ lượng, can đảm, dũng cảm, công minh chính trực,...

Ngôi đền cổ tồn tại trăm năm, là nơi thờ tự, tín ngưỡng của cả người Hoa và người Việt

Ngôi đền cổ tồn tại trăm năm, là nơi thờ tự, tín ngưỡng của cả người Hoa và người Việt

Quan Công cùng với Ông Bổn, Thiên Hậu Thánh Mẫu,... là những vị thần thánh của người Hoa. Từ khi đến định cư ở Nam bộ, họ mang theo những giá trị tín ngưỡng, thờ phụng của quê hương. Người Nam bộ với tính hào sảng đã dễ dàng chấp nhận những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc khác, cùng chung sống thuận hòa trên mảnh đất mới vừa khai mở.

Chính vì thế mới có sự xuất hiện của những cơ sở tín ngưỡng mang tính giao thoa văn hóa, vừa mang nét đặc trưng của nguyên bản lại vừa có đặc điểm nổi bật của văn hóa Nam bộ bên trong ấy. Đó chính là minh chứng cụ thể cho sự đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình xây ấp, lập làng. Đền Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông) tại Tân Trụ là một nơi như thế!

Nơi ghi dấu sự tiếp biến văn hóa

Người Hoa rất giỏi buôn bán nên nơi họ dừng chân ngoài dựng làng còn lập chợ. Vì thế, đền Quan Thánh Đế Quân cũng nằm trong khu vực chợ của thị trấn Tân Trụ xưa.

Ngôi đền cổ tồn tại trăm năm, là nơi thờ tự, tín ngưỡng của cả người Hoa và người Việt. Người Việt đã thờ Quan Thánh Đế Quân một cách trang nghiêm, kính cẩn và hình tượng Quan Công xuất hiện trong nhiều tôn giáo tại nước ta. Nho giáo tôn xưng ông là Văn Hoành Thánh Đế; Đạo giáo tôn xưng ông là Hiệp Thiên Đại Đế; còn Phật giáo tôn xưng ông là Hộ Pháp Già Lam.

Ông cha ta đã xem truyền thống thờ tự của người Hoa như tín ngưỡng của dân tộc mình, thể hiện sự tôn trọng của người Việt đối với cộng đồng nơi vùng đất mới. Đó là nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam bộ cần được giữ gìn.

Tranh bằng gỗ chạm khắc mô típ chim điểu và hoa hồng công phu, đặc sắc do ông Quận trưởng tặng cho chùa, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XX tại đền Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông)

Tranh bằng gỗ chạm khắc mô típ chim điểu và hoa hồng công phu, đặc sắc do ông Quận trưởng tặng cho chùa, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XX tại đền Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông)

Tại Tân Trụ, Quan Thánh Đế Quân được người dân trong khu vực xem như vị thần Thành hoàng Bổn Cảnh ngự trị và chứng kiến đời sống sinh hoạt, bảo vệ, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng. Trong 2 lệ cúng thường niên tại đền Quan Thánh Đế Quân, người đến tham gia có cả người Hoa và người Việt.

Đây được xem là dịp để người dân có thể gặp gỡ, giao lưu, cố kết tình cảm của cộng đồng Việt - Hoa tại vùng đất này. Kiến trúc đền được xây dựng theo kiểu tứ trụ, mang nét đặc trưng của đình làng vùng đất Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hình ảnh “lưỡng long tranh châu” trên mái đền cũng là nét văn hóa tâm linh của người Việt.

Bên trong chánh điện có những câu đối, tấm liễn ca ngợi, tôn vinh phẩm chất nghĩa khí, trung can của Quan Công. Và trong tâm thức người dân vùng đất Tân Trụ, chùa Ông là tiêu biểu cho những giá trị tinh thần tốt đẹp.

Trưởng ban Quý tế đền Quan Thánh Đế Quân - Lê Minh Tấn kể: “Ông Quan Thánh là người tài giỏi, trung nghĩa và được phong thánh. Người dân nơi đây thờ phụng ông từ đời này sang đời khác. Chúng tôi tận tâm coi sóc việc hương khói tại đền, không chỉ trong các kỳ lễ cúng, mỗi ngày đều thắp hương 2 lần tại đền”.

Chiếc chuông có niên đại thế kỷ XIX

Chiếc chuông có niên đại thế kỷ XIX

Trong đền còn nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỷ XIX đến nay được gìn giữ nguyên vẹn: Chuông đồng, bộ lỗ sơn son gồm 8 bộ, mỗi bộ 2 chiếc, bức tranh bằng gỗ chạm khắc mô típ chim điểu và hoa hồng công phu, đặc sắc,...

Có thể nói, đền Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông) tại thị trấn Tân Trụ là nơi minh chứng cho sự tiếp biến văn hóa, đoàn kết 2 dân tộc, sự cởi mở của cộng đồng người Việt xưa./.

Thu Lam (lược ghi từ Hồ sơ di tích)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/den-quan-thanh-de-quan-diem-giao-thoa-van-hoa-viet-hoa-a124287.html