Đến Sơn La xem Bộ đội Biên phòng chăm con
Có dịp tới công tác tại tỉnh Sơn La, chúng tôi được nghe kể nhiều về những việc mà Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã làm nhằm bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia... Trong số những đề án, mô hình mà BĐBP tỉnh Sơn La đã thực hiện, chúng tôi rất ấn tượng với mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng'.
Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La kể say sưa về chủ trương này. Tỉnh Sơn La có 274km đường biên giới thuộc 6 huyện, 17 xã, 305 bản thuộc địa bàn biên phòng. Những năm qua, tuy đã có nhiều cải thiện nhưng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cháu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên việc nuôi dưỡng, dạy dỗ không được như mong muốn. Trước tình hình ấy, thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Trao đổi với các cán bộ đã trực tiếp tham gia thực hiện mô hình mang ý nghĩa thiết thực và đậm chất nhân văn này chúng tôi được biết, hiện nay, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã được BĐBP tỉnh Sơn La triển khai tại 5 đồn. Đối tượng được nhận nuôi là các cháu từ 6 đến 15 tuổi, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; các cháu mồ côi cha (mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa. Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho chúng tôi rõ thêm: Trên cơ sở rà soát cụ thể và điều kiện thực tế tại các đồn biên phòng, năm 2019, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã nhận nuôi 10 cháu tại 5 đồn. Tại các đồn biên phòng, các cháu được mua sắm quần áo, đồ dùng sinh hoạt, học tập đầy đủ, được bố trí phòng nghỉ riêng, ăn cơm bếp cùng bộ đội, hằng ngày được các bố BĐBP đưa đón đi học. Hằng tuần, hằng tháng vào ngày nghỉ, cháu nào có nguyện vọng về thăm gia đình thì được các bố BĐBP đưa về và đón lên đơn vị.
Trao đổi với Thượng tá Quàng Văn Tiên, Trưởng ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị Bộ chỉ huy BPBP tỉnh Sơn La chúng tôi được biết, về kinh phí bảo đảm cho việc chăm nuôi các con là do Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tự cân đối; một phần đóng góp của các lãnh đạo Bộ chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, đơn vị còn vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ kinh phí và vật chất. Tại Đồn Biên phòng Chiềng On hiện đang chăm nuôi hai con là Sồng Lao Cường và Sồng Lao Việt, quê ở bản Suối Cút, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Cường và Việt là hai anh em ruột. Cha mất sớm do tai nạn giao thông, mẹ đi bước nữa nên hai anh em phải ở với gia đình bác ruột. Được BĐBP nhận về làm “con nuôi đồn biên phòng”, hai cháu rất mừng. Sồng Lao Cường đã không ít lần chia sẻ: Ở đồn, cháu được các bố BĐBP chăm lo rất chu đáo, được bố trí nơi ăn nghỉ, sinh hoạt phù hợp, có góc học tập riêng, có đầy đủ đồ dùng học tập, sinh hoạt... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, để kèm cặp, quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ, giáo dục và chăm sóc các cháu học tập, rèn luyện trưởng thành, cấp ủy, chỉ huy các đồn phân công cán bộ trực tiếp từng cháu. Ngoài ra, các cháu còn được quân y các đồn lập hồ sơ, kiểm tra, thăm khám sức khỏe thường xuyên.
Một trong những yếu tố giúp Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đạt hiệu quả thiết thực đó là sự gương mẫu đi đầu của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trung tá Đào Mạnh Tưởng cho biết: “Không chỉ tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí, vật chất phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu, thủ trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh còn thường xuyên tới các đồn trực tiếp nhận “Con nuôi đồn biên phòng” nắm tình hình mọi mặt, thăm hỏi, động viên các cháu. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện mô hình đều được các thủ trưởng chỉ đạo, khắc phục kịp thời”.
Nhờ được chăm nuôi, chỉ dạy chu đáo nên năm học 2019-2020 hầu hết các cháu là “con nuôi đồn biên phòng” ở Sơn La có kết quả học tập khá, giỏi và đều xếp loại hạnh kiểm tốt. Không chỉ giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dạy con em, mở mang dân trí, ổn định địa bàn, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” còn góp phần rất quan trọng tăng cường đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BÐBP với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Dù thời gian chưa lâu nhưng qua thực tế tại Sơn La, có thể khẳng định mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương rất hữu ích và giàu chất nhân văn.