Đền Thánh Mẫu trên đất Thạch Bình
Di tích lịch sử Đền Thánh Mẫu tọa lạc trên đồi Nghè, thôn Kim Sơn, xã Thạch Bình (Thạch Thành). Với sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, đền được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa người dân địa phương và du khách thập phương.
Một góc Di tích lịch sử Đền Thánh Mẫu, xã Thạch Bình (Thạch Thành).
Tương truyền rằng nàng Nga là con gái của ông Cún Đủ, thuộc làng Án Đỗ (nay là thôn Kim Sơn) tài sắc vẹn toàn, có nhiều công lao giúp Nhân dân trong phát triển sản xuất và được vua triều Nguyễn ban sắc phong. Sau khi nàng Nga qua đời, để tưởng nhớ công ơn, Nhân dân trong làng đã xây dựng đền thờ và suy tôn là nàng Nga là Thánh Mẫu. Đền Thánh Mẫu quay mặt theo hướng Tây Bắc, trên đồi Nghè. Khu đền có diện tích gần 2 ha, xung quanh nhiều cây cối và nhà ở của người dân bao bọc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đền Thánh Mẫu trở thành nơi ẩn náu của bộ đội, sinh viên Trường Đại học Vinh. Sau này, xã Thạch Bình sử dụng làm trạm xá để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân địa phương.
Theo các cụ cao niên trong xã, cụ thể về năm xây dựng đền thì không ai biết nhưng cùng với những biến cố của lịch sử, tác động của con người, Đền Thánh Mẫu bị xâm hại nghiêm trọng, nhà hậu cung bị phá hoàn toàn, nhiều hiện vật, tài liệu quý tại đền đã bị thất lạc. Nhằm phát huy những giá trị và ý nghĩa lịch sử của đền, năm 2008, Nhân dân trong xã Thạch Bình đã góp công, góp của để tôn tạo và xây dựng mới nhà tiền đường. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, ngày 30-1-2015, Đền Thánh Mẫu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm cứ vào ngày 15-3 âm lịch, xã Thạch Bình tổ chức lễ hội Đền Thánh Mẫu thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tới vãn cảnh, dâng hương. Đây là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Trong lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được tổ chức trang trọng trong niềm vui phấn khởi của Nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ngày chính lễ, vào các ngày mùng 1 và 15 âm lịch, người dân trong và ngoài huyện Thạch Thành cũng đến đây tham quan, dâng hương và vãn cảnh.
Trong các năm 2018, 2020, Đền Thánh Mẫu tiếp tục được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và tài trợ của các nhà hảo tâm, cùng với đóng góp của con em xã Thạch Bình ở khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, nhà tiền đường, sân, đường lên đền được đầu tư xây dựng khang trang, theo đúng kiến trúc cũ, đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân trong xã.
Ông Lưu Văn Tiến, người trông coi Đền Thánh Mẫu cho biết: Đối với người dân xã Thạch Bình nói riêng và huyện Thạch Thành nói chung, Đền Thánh Mẫu không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là di tích lịch sử quan trọng. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, Đền Thánh Mẫu được đầu tư trùng tu, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Nhiều năm qua, tôi đã tự nguyện đến nơi đây thắp hương vào các ngày rằm, lễ, tết và trông coi, bảo vệ đền. Mong rằng thời gian tới Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng nhà hậu cung, các công trình phụ trợ như: công trình vệ sinh, nhà chuẩn bị đồ lễ, nơi để xe... để nơi đây xứng tầm là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Đoàn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Không chỉ giàu giá trị lịch sử, Đền Thánh Mẫu còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng với người dân địa phương. Thời gian qua, đền được sửa chữa lại nhưng do kinh phí hạn hẹp nên các hạng mục đều mang tính tượng trưng, chưa xứng tầm với một di tích lịch sử cấp tỉnh. Mong muốn xây dựng Đền Thánh Mẫu trở thành nơi du lịch tâm linh là khát khao cháy bỏng của người dân và chính quyền xã Thạch Bình. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự đóng góp của người dân và nguồn ngân sách địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các “mạnh thường quân”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/den-thanh-mau-tren-dat-thach-binh/173505.htm