Đền thờ Bác Hồ xã Châu Thới: Minh chứng cho tấm lòng Nhân dân Bạc Liêu hướng về Bác

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và người dân Bạc Liêu đối với Bác.

Quyết tâm xây dựng Đền thờ tưởng nhớ Bác

Năm 1969, sau khi Bác mất, trước nỗi mất mát lớn lao, Huyện ủy Vĩnh Lợi mượn tạm ngôi nhà của người dân để tổ chức lễ truy điệu để tang Bác vào lúc 17 giờ ngày 3/9/1969. Sau lễ truy điệu Bác Hồ, ngôi nhà trở thành nhà tưởng niệm Bác. Đồng thời, Huyện ủy Vĩnh Lợi phát động các xã trong huyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi

Hàng trăm cán bộ, Nhân dân trong xã và huyện đã không sợ khó khăn, gian khổ, ngày đêm góp sức, góp công xây dựng Đền thờ Bác ngay trên chính mảnh đất đầy khói lửa, đạn bom Châu Thới.

Đầu năm 1971, địch càn quét vào ấp Bà Chăng A với dã tâm đốt phá nơi thờ Bác, hành động đốt phá của địch đã làm cho Nhân dân rất căm phẫn, lên án, phản đối quyết liệt. Tháng 4/1971, Huyện ủy Vĩnh Lợi giao cho xã ủy Châu Thới chỉ đạo lực lượng du kích xã phối hợp với quân địa phương đánh đồn Tân Tạo, phá ấp chiến lược, lấy sắt và dây kẽm gai đem về căn cứ để chuẩn bị dựng Đền thờ Bác.

Ngày 15/4/1972, Xã ủy Châu Thới quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đền thờ Bác Hồ. Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bốt của địch, nhưng với động lực là lòng kính yêu, thương nhớ Bác, Nhân dân xã Châu Thới xung phong đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mua làm nhiều lần. Khi đã chuẩn bị xong, lúc 10h ngày 25/4/1972, Xã ủy Châu Thới đã làm Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác.

Sau 24 ngày đêm thi công vất vả, không ngại đạn pháo của địch, bất chấp sự kìm kẹp của địch, bất chấp mọi hiểm nguy bởi Bạc Liêu khi ấy, đạn bom của địch rãi khắp nơi. Nhân dân và Xã ủy Châu Thới vẫn quyết tâm và đã hoàn thành việc xây dựng đền thờ.

Đến ngày 19/5/1972 (ngày sinh nhật Bác), Lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và xúc động của đông đảo Nhân dân trong xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa thắp hương tại Đền thờ Bác.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa thắp hương tại Đền thờ Bác.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (74 tuổi) nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác, là 1 trong 7 chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo vệ việc xây dựng Đền thờ Bác xúc động chia sẻ: “Việc xây dựng đền thờ ngay trong lòng địch đã khó khăn, việc bảo vệ đền thờ càng khó khăn gấp bội. Sau khi đền thờ hoàn thành, địch thường xuyên huy động các phương tiện chiến tranh đánh phá, nhưng bằng tất cả tình cảm của những người con miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc, các lực lượng du kích, lực lượng địa phương quân Vĩnh Lợi và Đội bảo vệ đền thờ một lòng quyết tâm thà hy sinh tính mạng vẫn phải giữ và bảo vệ Đền thờ Bác nguyên vẹn”.

Nơi giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tấm lòng tri ân của Nhân dân

Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu luôn quan tâm bảo tồn, tổ chức các hoạt động văn hóa tri ân và tưởng nhớ Bác nhằm phát huy giá trị của khu di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ di tích đền thờ Bác nhiều lần. Sau 3 lần trùng tu đến nay di tích được mở rộng diện tích lên 45.000m2 (chia làm hai giai đoạn; giai đoạn 1 diện tích 11.000m2), với các hạng mục công trình: Nhà bao che Đền thờ, nhà trưng bày, nhà chiếu phim tư liệu và sinh hoạt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhà dịch vụ và một số công trình phụ trợ khác.

Hạng mục công trình ở giai đoạn 2 là 34.000m2 nằm đối diện bên kia sông của di tích sắp tới có các hạng mục xây dựng như: Tượng vua Hùng, khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên.

Đặc biệt, tại nhà trưng bày trong khung viên Đền thờ có khoảng hơn 300 tài liệu và hiện vật phản ánh quá trình Nhân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ đền thờ và các tư liêu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác được lưu giữ tại đây. Từng hình ảnh, hiện vật, vết điêu khắc, được thiết kế gắn liền với sự giản dị, mộc mạc của Bác được Ban quản lý khu di tích sắp xếp thể hiện sự trang nghiêm trân trọng.

Những hình ảnh bên trong nhà trưng bày tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Châu Thới.

Những hình ảnh bên trong nhà trưng bày tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Châu Thới.

Đền thờ Bác là địa điểm để tổ chức những hoạt động văn hóa chính trị xã hội quan trọng của địa phương, là nơi tỉnh, huyện họp mặt những ngày truyền thống, nhất là dịp Sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9... Hàng năm, nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban ngành; lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh đến đã dâng hoa, thắp hương bày tỏ lòng thành kính dâng lên Bác.

Đoàn viên thanh niên viếng Đền thờ Bác

Đoàn viên thanh niên viếng Đền thờ Bác

Anh Trần Trọng Trí, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Đền thờ Bác Hồ không chỉ là niềm tự hào của người dân xã Châu Thới nói riêng mà là của Nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung. Hàng năm cứ vào các dịp lễ, Chi đoàn Sở TN&MT đều tổ chức về nguồn viếng thăm đền thờ Bác.

Bản thân tôi cũng như các bạn đoàn viên trong chi đoàn mỗi dịp đến viếng, được thắp nén hương dâng lên Bác luôn cảm thấy xúc động, tự hào và luôn tưởng nhớ về Bác và thế hệ cha ông đi trước, cố gắng phấn đấu góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Ông Hứa Ngọc Hải, phụ trách quản lý di tích Đền thờ Bác cho biết, trong những năm qua, bằng sự quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo khu di tích của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đền thờ Bác Hồ đã trở thành địa chỉ đỏ để cán bộ, Nhân dân không chỉ riêng trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh tìm về để viếng thăm, bày tỏ lòng thành kính.

Các em học sinh, sinh viên nghe thuyết minh về Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các em học sinh, sinh viên nghe thuyết minh về Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“’Bên cạnh các ngày lễ lớn, các ngày trong năm đều có nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh đến viếng. Đáng mừng là nhiều trường học, nhiều đoàn học sinh, đoàn viên thanh niên thường xuyên đến viếng thăm Đền thờ Bác, qua đây giúp các em nâng cao ý thức tìm hiểu lịch sử, tìm về cội nguồn và tưởng nhớ Bác, biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã đấu tranh bảo vệ cuộc sống hòa bình hôm nay”.

Đền thờ Bác Hồ xã Châu Thới là nơi thể hiện tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, dân, quân Bạc Liêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến Bạc Liêu đã dành thời gian và tình cảm đến thăm viếng Đền thờ Bác, như thấy được hình ảnh Bác Hồ nơi vùng đất Nam Bộ.

Có thể khẳng định, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Châu Thới không chỉ là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn là nơi thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và người dân Bạc Liêu đối với Bác.

Năm 1998, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia .

Trần An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/den-tho-bac-ho-xa-chau-thoi-minh-chung-cho-tam-long-nhan-dan-bac-lieu-huong-ve-bac-431067.html