Đền thờ 'ma' hiện ra giữa biển, bàn thờ nguyên vẹn sau 2.000 năm
Những tấm cẩm thạch tuyệt đẹp từ đền thờ ma của Vương quốc Nabataean cổ đại đã được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Pozzuoli thuộc Bán đảo Phlegrean ở vùng Campania nước Ý.
Theo thông cáo báo chí chung từ Bộ trưởng Bộ Bảo vệ dân sự và chính sách hàng hải Ý Nello Musumeci và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ý Gennaro Sangiuliano, hai bàn thờ bằng đá cẩm thạch từ đầu thế kỷ thứ I sau Công Nguyên mà các thợ lặn tìm thấy được công bố là một phần của khu phức hợp đền thờ do người Nabataean xây dựng.
Khu đền thờ "ma" thuộc về Pozzuoli, còn được gọi là Puteoli thời cổ đại, hiện tại bị chìm xuống đáy biển sau 2.000 năm trải qua hoạt động địa chấn và núi lửa phức tạp, khiến một phần bán đảo bị hạ thấp xuống dưới mực nước biển.
Đó là một thành đô nhộn nhịp hoạt động thương mại của người Nabataean. Họ xây dựng đền thờ lộng lẫy dành riêng cho vị thần bảo hộ của khu vực là Dusares, tờ Heritage Daily cho hay.
Trong các hình ảnh được công bố, bàn thờ đá cẩm thạch hiện ra với màu trắng nổi bật giữa cát biển, vẫn nguyên vẹn và sắc sảo, được bộ trưởng Sangiuliano gọi là "một kho báu khác" của Puteoli.
Các bàn thờ này đã giúp các nhà khoa học xác định chính xác vị trí của ngôi đền "ma", cũng như dẫn đường cho họ tìm thấy thêm một số trục đường, thương cảng cổ đại và các tòa nhà hoàng gia.
Vương quốc Nabataean, là một đồng minh của La Mã cổ đại từng cai trị một vùng lãnh thổ trải dài từ Euphrates đến Biển Đỏ, như một bức trường thành giữa Rome và các bộ lạc sa mạc.
Thủ đô của vương quốc cổ xưa hùng mạnh này chính là Petra, một kỳ quan lừng danh thế giới, vẫn tuyệt đẹp cho đến ngày nay và từng đi vào phim ảnh nhiều lần.
Vì vậy, các di tích từ vương quốc này vẫn luôn là phát hiện thú vị của giới khảo cổ - với sự xa hoa, trình độ xây dựng và công nghệ nổi bật so với các nền văn minh cùng thời kỳ. Theo Bộ trưởng Sangiuliano, phát hiện mới giúp minh chứng thêm về sự phong phú và rộng lớn của hoạt động thương mại, văn hóa, tôn giáo ở lưu vực Địa Trung Hải cổ đại.