Đến thời truyện tranh Việt?
Truyện tranh là mảng văn học không thể thiếu với rất nhiều độc giả. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, việc sáng tác truyện tranh gần như không tồn tại.
Thời gian gần đây, trên thị trường truyện tranh Việt Nam đã có một vài tín hiệu xuất bản. Nhiều người khẳng định, đã đến thời truyện tranh Việt khởi sắc, nhưng cũng có người cho rằng, đó chỉ là sự “hăng máu” tức thời của một số tác giả trẻ.
Khuất lấp 30 năm
Nếu tính từ những năm 1990 đến nay đã 30 năm trôi qua, việc xuất bản truyện tranh ở Việt Nam có bước chuyển mình khi nhà xuất bản Kim Đồng phát hành bộ manga lừng danh “Doraemon” của tác giả Fujiko F. Fujio. Lần đầu tiên những người làm xuất bản truyện tranh nước ta ngỡ ngàng nhận ra, bên cạnh tính giáo dục, truyện tranh còn có thể mang đậm tính giải trí và tạo ra tác động tốt đến thẩm mỹ của người đọc.
Tuy nhiên, vô hình trung đây cũng là lúc mà những bộ truyện tranh Việt Nam với cung cách răn dạy đạo đức theo lối giáo điều, cùng hình thức nghèo nàn đi đến hồi kết. Điển hình là bộ “Cô Tiên Xanh” (1991) của tác giả Kim Khánh và Hùng Lân, nơi mà chỉ cần bạn đi xe máy phân khối lớn, đeo kính đen và để râu thì đích thị là quân… mất dạy.
Suốt hàng chục năm, truyện tranh Việt ảm đạm được thay thế bằng dòng truyện tranh nhập ngoại. Mãi đến năm 2002, khoảng trống ấy mới được bù đắp bởi “Thần đồng đất Việt” với hai cái tên: Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Phong Linh. Từng mẩu truyện ngắn rất vui nhộn và có đủ tính giải trí lẫn giáo dục cho bạn đọc nhỏ tuổi. Trong thập kỷ tiếp theo, Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Phong Linh cãi nhau về tác quyền và phải dẫn nhau ra tòa.
Từ đó đến nay, mảng truyện tranh Việt lác đác những tác phẩm không tới tầm. Trên mạng Internet, có một số trang web phục vụ độc giả đọc truyện tranh online, nhưng đa phần là truyện scan từ bản in cũ với chất lượng mờ nhòe, rất ít tác phẩm được sáng tạo mới và hầu như không được công chúng đón nhận.
Thậm chí trong thời gian dài, quan niệm về đọc truyện tranh ở Việt Nam còn rơi vào một sai lầm tai hại. Nhiều phụ huynh cho rằng, truyện tranh là “con sâu đục khoét tâm hồn”. Thế là họ cấm và “phun thuốc trừ sâu” cho những tâm hồn đầy hoa lá của trẻ nhỏ bằng cách cấm đọc.
Tín hiệu từ “Thị trấn Hoa Mười Giờ”
Đầu tháng 12 vừa qua, họa sĩ Phan (Lê Phan) giới thiệu đến độc giả bộ truyện tranh dài kỳ “Thị trấn Hoa Mười Giờ”. Phan là một họa sĩ vẽ minh họa và vẽ truyện tranh tự do giàu nội lực, nghiêm túc với quá trình sáng tạo. Mỗi năm, anh đều hạ quyết tâm hoàn thành 1 quyển sách với các thể loại đa dạng. Hiện Phan đã có 5 cuốn sách được xuất bản và 6 bản thảo đang chờ ngày đẹp đưa ra với công chúng.
Có đến 15 năm kinh nghiệm vẽ truyện tranh, ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họa sĩ Phan sáng tác truyện tranh dài kỳ. Với “Thị trấn Hoa Mười Giờ”, những điểm mạnh của Phan như tư duy sáng tạo, góc nhìn hài hước cùng những trải nghiệm cá nhân đều được phát huy triệt để.
Theo tác giả của “Thị trấn Hoa Mười Giờ”, bộ truyện tranh dài kỳ thuộc thể loại thường nhật (slice of life). Nội dung xoay quanh cuộc sống thường ngày ở một thị trấn có tên Hoa Mười Giờ - nơi mà toàn bộ những đứa trẻ đều ra đời vào lúc mười giờ sáng. Thế nhưng thay vì như những búp măng non làm nên vẻ đẹp cho làng xóm thì đám con nít Ổi, Cóc, Mận, Xoài chính là nguyên nhân khiến thị trấn không bao giờ được bình yên.
Đêm đêm tụ tập ở nghĩa địa để kể chuyện ma; nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để được đọc truyện tranh mà cha mẹ không biết. Cái thời mà vi tính, điện thoại hay mạng xã hội vẫn còn là những khái niệm chưa ai nghĩ ra.
Ngay khi ra mắt, một số nhà nghiên cứu cho rằng “Thị trấn Hoa Mười Giờ” như một không gian song song với cuộc sống của thời đại 4.0, khi những thứ giờ chỉ còn trong quá khứ vẫn đang sống trong từng trang sách. Những trò quậy phá, những cuộc phiêu lưu và những điệp vụ quái đản khiến người lớn hãi hùng, nhưng đồng thời lại là một miền tuổi thơ đầy sống động và chân thật.
Có người đặt câu hỏi, tại sao những đứa trẻ trong “Thị trấn Hoa Mười Giờ” phải giấu cha mẹ đọc truyện tranh? Đó là câu hỏi liên quan đến việc cha mẹ cấm con cái mình đọc truyện tranh, khiến truyện tranh Việt Nam tụt lùi so với thế giới hàng trăm năm. Thực tế đó được đưa vào truyện, tác giả Phan muốn khẳng định rằng: Truyện tranh không chỉ là mảng văn học nghệ thuật có tính vị lai, mà còn có tính truyền thống, thực tế cao.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Anh (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cho rằng, nghề vẽ truyện tranh ở nước ta chưa có cơ hội phát triển do khâu kiểm duyệt còn quá khắt khe, cái nhìn về văn hóa còn hạn chế, hai là do công nghệ còn yếu và thiếu. Và vì hai yếu tố này mà chưa có đơn vị nào chú trọng tìm kiếm và đầu tư vào mảng này để có sự chuyên nghiệp và phát triển.
Giới chuyên môn cho rằng, việc một số tác phẩm truyện tranh dài kỳ được xuất bản trong thời gian gần đây chỉ là tín hiệu báo trước việc quay trở lại của mảng văn học đặc thù này. Tín hiệu ấy không đủ mạnh để khẳng định thời của truyện tranh Việt đã đến, nhất là khi cơ chế và việc đầu tư cho sáng tạo gần như bằng con số 0.
“Nghề vẽ truyện tranh ở Việt Nam xuất hiện từ khá sớm nhưng chỉ được quan tâm ở một thời điểm ngắn do có sự đầu tư từ nước ngoài, sau đó lại đi đến thoái trào. Việt Nam không thiếu họa sĩ có tài, được các công ty nước ngoài thuê gia công truyện tranh. Nhưng những người đam mê nhiều năm nay vẫn đang gặp phải thách thức và chưa có cơ hội để phát triển”. - Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/den-thoi-truyen-tranh-viet-l24zPd1Gg.html