Vào lúc 18h30 ngày 23-4, tọa đàm “Người đương đại và những giá trị truyền thống” đã diễn ra thành công tại Toong Co-working Space (Tầng 4, số 8 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện “Bắc Nhịp Tang Bồng”, tọa đàm là cơ hội để khán giả có thêm hiểu biết, hình dung cơ bản về hai loại hình nghệ thuật kinh điển của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo và tuồng
Thông qua buổi tọa đàm, nhóm thực hiện Trường Ca Kịch Viện và dự án Chèo 48h mong muốn kết nối người đương đại với những giá trị của nghệ thuật biểu diễn truyền thống
Góp mặt tại tọa đàm có 5 khách mời, đó là: ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, nghệ sĩ tuồng Trần Tuấn Hiệp, nghệ sĩ tuồng Quỳnh Liên, nghệ sĩ chèo Trần Thị Ngát và nghệ sĩ chèo Lê Doãn Thái Bình
Ngoài những chia sẻ đầy tâm huyết của dàn khách mời, người xem còn được tận mắt chứng kiến các nghệ sĩ biểu diễn
Nghệ sĩ Trần Tuấn Hiệp minh họa một số động tác của các nhân vật trong tuồng
Nghệ sĩ Quỳnh Liên biểu diễn cảnh nhân vật Hồ Nguyệt Cô hóa cáo - một trong những cảnh kinh điển, gây ám ảnh nhất của sân khấu tuồng
Nghệ sĩ trẻ Trần Thị Ngát và Lê Doãn Thái Bình thể hiện một vài cảnh trong trích đoạn “Xã trưởng - Mẹ Đốp”, trích từ vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”
“Tuồng và chèo đều là nghệ thuật kịch hát dân tộc truyền thống cực kì quý báu của Việt Nam, đều được các thế hệ con người Việt Nam lao động, sáng tạo để trở thành một loại hình độc đáo và món ăn tinh thần không thể thiếu của chúng ta hiện nay. Nó phản ánh tâm hồn, khát vọng của con người Việt Nam”, ông Tạ Văn Sốp nói trong buổi tọa đàm
Cũng theo ông Sốp, không chỉ có Nhà nước quan tâm đến nghệ thuật truyền thống dân tộc, mà nhiều bạn trẻ ngày nay cũng rất chú ý đến những giá trị văn hóa này
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam – vị khách đặc biệt ngồi dưới hàng ghế khán giả, chia sẻ: “Hôm nay, các bạn được xem một chút về tuồng, một chút về chèo thì các bạn có thể cảm nhận được sự khó khăn của người nghệ sĩ, khó khăn của những người quản lí để bảo tồn những nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, trong đó có tuồng và chèo là hai loại hình nghệ thuật được cho là mẫu mực nhất của nghệ thuật truyền thống Việt Nam”
Truyền thống như một dòng chảy đi qua nhiều thế hệ, ở đó có kế thừa và có cả tiếp biến. Những giá trị tốt đẹp của các thế hệ trước không chỉ nên được bảo tồn, mà còn cần được phát huy có hiệu quả trong bối cảnh đương đại
Dàn khách mời giao lưu với khán giả. Không khí buổi tọa đàm trở nên sôi nổi hơn nhờ các trò chơi tương tác hấp dẫn, thú vị
Nghệ sĩ Quỳnh Liên hướng dẫn một bạn khán giả thực hiện vài động tác cơ bản trong tuồng
Dàn khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức và các khán giả ở cuối buổi tọa đàm
Lan Ngọc