Đến và 'bén rễ xanh cây'

Lễ khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch với sự hỗ trợ đặc biệt từ Tập đoàn Qorvo và Tập đoàn Cadence (đều có trụ sở tại Mỹ) vừa được tổ chức tại Hà Nội là minh chứng quan trọng cho quá trình hiện thực hóa những cam kết được các 'ông lớn công nghệ' này đưa ra hồi cuối năm 2023 - một năm đầy ắp các chuyến thăm, tìm hiểu thị trường Việt Nam của giới công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chứng kiến đại diện NIC và nhà đầu tư nước ngoài ký kết thỏa thuận hợp tác

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chứng kiến đại diện NIC và nhà đầu tư nước ngoài ký kết thỏa thuận hợp tác

Có lý do để tin rằng các tập đoàn lớn đã thực sự bắt đầu việc “gieo hạt” để có thể “bén rễ xanh cây” ở Việt Nam. Điều này thậm chí có ý nghĩa hơn cả việc đơn thuần rót vốn đầu tư.

Mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận việc triển khai 2 dự án có quy mô 551 triệu USD của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan). Cả 2 dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Nếu tính cả 2 dự án sẽ triển khai, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam lên tới hơn 3 tỷ USD; riêng tại Quảng Ninh là gần 1 tỷ USD. Trước đó, Bắc Giang và Bắc Ninh cũng là “bến đỗ” của Foxconn.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc, vốn đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, như Samsung, LG, Hyosung, CJ, Posco… cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ USD trong thời gian tới. Chẳng hạn, LG dự tính đầu tư thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng gấp đôi công suất của Nhà máy LG Innotek, qua đó hình thành tổ hợp sản xuất khép kín tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay - Samsung với tổng vốn đầu tư lên tới trên 22,4 tỷ USD, đã và đang đều đều tăng vốn (bình quân khoảng 1 tỷ USD/năm). Trung tâm R&D của doanh nghiệp này được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2022 là hiển thị cho vị thế “cứ điểm” R&D của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Samsung.

Không chỉ trong các lĩnh vực bán dẫn “truyền thống” được đầu tư mới và bổ sung vốn trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam còn có triển vọng thu hút đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen, năng lượng tái tạo… Bộ KH-ĐT kỳ vọng tới đây, khi Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được ban hành, lực hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư sẽ còn lớn hơn nữa.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít trăn trở trong hành trình đón các doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đến Việt Nam đầu tư. Kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh quý 2-2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu công bố ngày 15-7 cho thấy, dù lạc quan về triển vọng dài hạn, đại diện các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, những thách thức pháp lý dai dẳng tiếp tục cản trở tăng trưởng và đầu tư. Các vấn đề chính bao gồm những quy định mơ hồ được giải thích theo nhiều cách khác nhau, thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt, những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, phê duyệt trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền…

Hẳn không thừa khi nhắc lại rằng áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao ngày càng lớn. Ngày càng nhiều quốc gia, từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đều ban hành các gói chính sách hỗ trợ đầu tư rất hấp dẫn. Hàn Quốc đã công bố kế hoạch gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip; Malaysia ban hành kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 vào cuối năm 2023, với quy mô khoảng 20 tỷ USD, để “làm mới” hàng loạt ngành công nghiệp điện và điện tử, hóa chất, xe điện, hàng không vũ trụ, dược phẩm, thiết bị y tế và vật liệu tiên tiến…

Báo cáo với Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhận định, chúng ta phải khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án. Cùng với đó, phải rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy… để tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư.

Một khi chuyển hóa được những “rào cản” trên, chắc chắn hành trình đón các tập đoàn lớn đến Việt Nam đầu tư sẽ ngày càng hanh thông, thuận lợi!

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/den-va-ben-re-xanh-cay-post749999.html