Đến với bài thơ hay: Cắm bản
Bài thơ 'Cắm bản' cho thấy mỗi thầy, cô giáo giống như ngọn nến tự đốt cháy mình để soi sáng đường đi giúp cho những người khác.
Lời bình
Mang tên của một “điểm trường”,
Chỉ ngôi nhà lá ven đường mà thôi.
Phòng cô giáo phía đầu hồi,
Cạnh gian cô ở là nơi “giảng đường”
Học trò miền núi thật thương,
Nhà xa lội suối qua nương vượt rừng.
Lối mòn trèo dốc chân không,
Trên lưng gùi gạo rau rừng mang đi.
Đường xa cô giáo quản chi
Bản làng ngóng đợi em về nơi đây
Thương em thức những đêm dài,
Bên trang giáo án, chẳng ai chuyện trò.
Mưa rừng lũ ống lên to,
Thú kêu, gió hú nỗi lo một mình..
Cuối tuần tạm biệt học sinh,
Xa dần bóng núi vắng hình người thân.
Có hôm cơm chẳng buồn ăn,
Nhớ chồng con, nghĩ xa xăm mọi bề.
Có lần định chuyển về quê.
Thương trò, chẳng thể bỏ nghề gieo ươm
Trèo non cõng chữ âm thầm,
Bám trường cắm bản. Mùa xuân đang về.
Ca dao Việt Nam có câu: “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy/Con ơi ghi tạc chớ ngày nào quên”. Quả vậy, đọc bài thơ “Cắm bản” của tác giả Hoàng Ngọc Phương lòng tôi bồi hồi xúc động bởi tác giả đã đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc sự cống hiến, sự hy sinh lặng thầm của những thầy, cô giáo miền xuôi ngày đêm “cõng chữ lên non” vì tương lai của bà con các dân tộc miền núi và các em thơ.
Nhan đề “Cắm bản” giúp người đọc hiểu rõ nơi giáo viên bám trụ dạy học là những bản làng xa xôi. Mang tên của một “điểm trường”/Chỉ ngôi nhà lá ven đường mà thôi/Phòng cô giáo phía đầu hồi,/Cạnh gian cô ở là nơi “giảng đường”.
Dùng thể lục bát truyền thống, lời thơ dung dị kể lại chi tiết về nơi sống và làm việc của cô giáo vùng cao. Nơi ấy, thầy cô đã đưa lớp học đến tận thôn, bản và nhiều khi phải vận động, thậm chí dỗ dành để học sinh đến lớp.
Gọi là “điểm trường” và “giảng đường” cho sang nhưng thực ra chỉ là “ngôi nhà lá ven đường” để dạy và học cho thầy và trò tiện đi lại. Hình ảnh các em nơi đây được tác giả phác họa với tình cảm chan chứa mến thương:
“Học trò miền núi thật thương,/Nhà xa lội suối, qua nương vượt rừng”. Chỉ một câu thơ có tới ba động từ: Lội, qua, vượt nhấn mạnh những gian nan vất vả các học trò miền núi phải trải qua hằng ngày, chưa kể các em đi chân đất vì nhiều em không có giày dép, đường lắm đèo dốc, trên lưng còn gùi cả thực phẩm để đến lớp học với cô giáo sinh hoạt bán trú.
Bởi thương các em nhỏ khát chữ nên “Đường xa cô giáo quản chi/ Bản làng ngóng đợi em về nơi đây”. Chủ thể trữ tình trìu mến gọi cô giáo là “em”, thân thương như với người em gái. Đến với điểm trường heo hút, xung quanh là núi cao và rừng cây, đường đi khó khăn, điện sáng cùng nước sinh hoạt không có.
Bởi yêu nghề tha thiết và thương học trò nên “em” vượt qua tất cả. Tác giả - cũng là một nhà giáo dạy ở trường chuyên nghiệp - không nén nổi niềm thương cảm em chỉ một mình “thức những đêm dài,/ Bên trang giáo án, chẳng ai chuyện trò”. Thương hơn nữa những khi mưa to gió lớn,
“Mưa rừng lũ ống lên to”, thiên nhiên đe dọa “thú kêu, gió hú” mà cô giáo lại chỉ có một mình. Chưa hết, thương em còn vì bao điều khác nữa: “Có hôm cơm chẳng buồn ăn/ Nhớ chồng con, nghĩ xa xăm mọi bề”.
Người viết thấu hiểu và đồng cảm với cả những nỗi niềm khó nói ra trong sâu thẳm cõi lòng của cô giáo – người vợ, người mẹ trẻ. Nỗi nhớ chồng và thương con luôn thường trực nhưng em đã gác lại tình cảm riêng tư, vượt mọi khó khăn để đến với học trò vùng núi cao rừng thẳm.
Những khó khăn nhiều mặt trong công việc và sinh hoạt có lúc khiến cô giáo nản lòng nhụt chí: “Có lần định chuyển về quê/ Thương trò, chẳng thể bỏ nghề gieo ươm”. Người viết không hề che giấu những phút yếu lòng ở cô giáo khiến cho cảm xúc trong bài càng chân thật, gần gũi với cuộc sống.
Người viết gọi dạy học là nghề “gieo ươm” bởi học trò như những hạt giống, như mầm non rất cần đến những bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo chăm sóc, vun bón để các em có tương lai sáng đẹp.
Bài thơ kết lại ở những câu thơ giàu hình ảnh: “Trèo non cõng chữ âm thầm,/Bám trường cắm bản. Mùa xuân đang về”. Sự vất vả gian lao và những cống hiến thầm lặng của cô giáo để cho đàn em thơ, gia đình và bản mường có cuộc sống tốt đẹp ngày mai. Hình ảnh “Mùa xuân đang về” nói lên điều đó.
Bài thơ cho thấy mỗi thầy, cô giáo giống như ngọn nến tự đốt cháy mình để soi sáng đường đi giúp cho những người khác. Đây là sự ghi nhận và biết ơn chân thành những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết, hết lòng vì đàn em thân yêu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-cam-ban-post608464.html