Đến với bài thơ hay: Hương nồng của tình yêu
Sương là hình ảnh quen thuộc của Đà Lạt nói riêng và phố núi nói chung, thế nhưng chưa bao giờ màn sương trắng lại được miêu tả độc đáo như thế này.
Nguyễn Duy
Đà Lạt một lần trăng
Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng
nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi
Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi
Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng...
(Đà Lạt, 1984)
Nếu nhắc đến nhà thơ Nguyễn Duy và nhắc đến đề tài về trăng, hẳn rằng ai cũng sẽ nghĩ ngay đến tác phẩm “Ánh trăng” trong sách giáo khoa. Nhưng ngoài thi phẩm ấy, ông còn có một số tác phẩm khác có liên quan đến trăng, trong đó có “Đà Lạt một lần trăng” viết năm 1984, in trong các tập thơ: “Ánh trăng” (1984), “Cát trắng” (1985), “Mẹ và em” (1987).
Từ đầu bài thơ, tác giả mở ra không gian rất Đà Lạt với những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của thành phố mộng mơ:
“Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng
nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi”
Đà Lạt thì bao giờ cũng mờ mờ, ảo ảo vậy, nên nhà thơ có cảm xúc ấy cũng là chuyện rất hiển nhiên. Mọi sự vật, âm thanh trong đoạn thơ này đều nửa như có, nửa như không vậy.
Sương là hình ảnh quen thuộc của Đà Lạt nói riêng và phố núi nói chung, thế nhưng chưa bao giờ màn sương trắng lại được miêu tả độc đáo như thế này. Ấy là khi vầng trăng ảo tượng tắm mình trong làn sương được miêu tả như mặt nước hồ vậy. Vì rõ ràng, từ “lập lờ” chỉ dùng để miêu tả một vật nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Và cũng chính sương trắng đã làm nên vầng “Trăng ảo ảnh”.
Đến hình ảnh gió cũng hư hư thực thực. Nhưng điều đáng chú ý, “thấp thoáng” chỉ dùng cho vật có hình khối còn “ngọn gió” làm gì có. Thế nhưng “ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi” thì mới hay, chứ nếu là “ngọn khói” lại không có gì để bàn. Hình ảnh vầng trăng chìm trong sương, hình ảnh ngọn gió vấn vít bên đồi đều là tả cảnh ngụ tình. Hai câu này, kể cả câu thứ ba: “tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng” đều có hai hình ảnh sóng đôi. Đó phải chăng là hình ảnh của đôi nam nữ từ từ sít lại gần nhau.
Còn “tiếng móng ngựa” thì sao?. Nó “ròn” nhưng ở nơi dốc vắng. Câu thơ cuối chỉ còn lại tiếng “lá thông rơi” sao mà tinh tế. Vì lá thông sợi nhỏ như kim nên để nghe được tiếng rơi ấy phải thật tinh tường. Bởi vậy, những câu thơ ấy là để ngụ tình.
Có vẻ như trong thời điểm ấy, cả nhà thơ và cô gái nào đó đã động lòng yêu, tâm hồn trở nên nhạy cảm. Nhưng xin nhấn mạnh lại là mọi thứ vẫn đang ở ranh giới thực và hư cả.
Đến khổ thơ thứ hai, không gian hư ảo đã chuyển hẳn sang không gian thực khi hình ảnh “em” xuất hiện:
“Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi”.
Cô em ấy nhóm bếp để nấu nước pha trà mời nhân vật “tôi”. Chẳng biết củi đun là củi gì, nhưng củi nhóm là “củi ngo” thế nên cuối cùng có câu thơ “mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”.
Củi ngo là thứ củi thông chẻ nhỏ, gọi theo tiếng của người K’ho. Chỉ ở cao nguyên Di Linh thứ củi ấy mới được gọi là củi ngo.
Ngọn lửa bùng lên sưởi ấm họ khi cả hai người đều đang thiếu vắng một hình bóng kề bên. Nhưng thực chất, cái nhóm lửa ấy chính là nhóm ngọn lửa tình yêu. Còn ánh nhìn lơ đãng kia là sự ngại ngùng. Họ giả vờ như không chú ý đến đối phương nhưng lại cực kì quan tâm nhau. Có thế thì họ mới để ý được cái nhìn lơ đãng của nhau.
Tác giả biết “em nhìn lơ đãng” và “em” cũng biết “chả ai lơ đãng cả”. Kiểu cách của họ ứng với câu ca dao: “Đưa tay anh ngắt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”. Và cái “siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi” ấy cũng là biểu thị cho những lời yêu còn e ấp.
Khổ thơ cuối cùng kết lại đêm trăng ấy, và thể hiện được tình cảm của họ:
“Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng...”
Nếu ở khổ đầu, mọi hình ảnh sóng đôi thì ở mỗi câu thơ khổ cuối này, chỉ còn tồn tại lại một sự vật. Từ hai mà nhập thành một đó là sự dung hợp. Bởi bây giờ, họ đã hiểu được tình ý của nhau.
Hình ảnh “hòn than” chính là hình ảnh của tình yêu, “cháy đến hết lòng” chính là tình yêu đã cháy đến tột điểm, sức nóng rất lớn. Ấy vậy “mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói”, nghĩa là cả hai người vẫn còn ngập ngừng chưa nói lời yêu, như hòn than đã cháy rực nhưng ngọn lửa vẫn chưa dám bùng lên.
Và “mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”. “Mùi nhựa thông” ấy chính là hương nồng nàn của tình yêu. Vì họ không dám trực tiếp nói với nhau những lời âu yếm, nên chỉ có thể trao gửi và cảm nhận tình cảm của đối phương một cách kín đáo. Như cách mà nhựa thông đã tỏa hương thơm.
Cái hay của bài thơ còn thể hiện ngay ở nhan đề. Đó không phải “Đà Lạt một mùa trăng” mà là “Đà Lạt một lần trăng”. Trăng thì nhìn thấy biết bao nhiêu lần, nhưng trăng ở Đà Lạt thì chỉ “một lần” thôi. Đó là sự tạc dạ ghi lòng của tác giả về cái đêm trăng mờ Đà Lạt, cái đêm trăng vô tiền khoáng hậu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-huong-nong-cua-tinh-yeu-post695238.html