Đến với Cồn Cỏ yêu thương

Tôi thật vui mừng khi có mặt trong đoàn trao tặng sách của cô giáo Nguyễn Thị Hà Thanh, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh đến với biển đảo quê hương. Cùng đi với chúng tôi còn có sự góp mặt của đoàn văn công cựu chiến binh quân khu 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên boong tàu, những lời ca tiếng hát được cất lên tràn đầy nhiệt huyết của những cô chú một thời 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai', xua tan đi cảm giác ngất ngây say sóng và làm cho hải trình như ngắn lại. Sau hơn một giờ rẽ sóng, Cồn Cỏ hiện ra sừng sững, hiên ngang trước mặt mọi người.

 Chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ đảo Cồn Cỏ

Chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ đảo Cồn Cỏ

Trong hương vị mặn mòi của biển cả, thả những bước chân chầm chậm trên âu thuyền, tôi như nghe sóng, gió biển trời của quê hương lan tỏa làm rạo rực trái tim. Đón đoàn chúng tôi là Thượng tá Nguyễn Duy Thoại, Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ với nét mặt tươi vui, tay bắt mặt mừng. Anh giới thiệu với chúng tôi: “Đảo Cồn Cỏ trở thành huyện đảo vào tháng 4/2005. Trong những năm tháng đánh Mỹ, Cồn Cỏ được xem là “con mắt thần”, là “vọng gác tiền tiêu”, là “cột mốc biên giới trên biển” và là một “chiến hạm xanh” không thể đánh chìm. Và hôm nay, trong công cuộc đổi mới, quân và dân trên đảo đang nỗ lực hết sức mình để xây dựng thành huyện đảo quân sự có tiềm năng về kinh tế và du lịch”.

Cùng Bí thư Huyện đoàn đảo Cồn Cỏ, chúng tôi đến Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên đảo, thành kính dâng lên anh linh các anh những nén hương thơm. Điểm đến tiếp theo là cột cờ Cồn Cỏ, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc rộng 24 m2 tung bay trong gió với độ cao 38,8 m. Đây là cột cờ Tổ quốc thể hiện sự kì vọng của bao thế hệ, là biểu tượng của độc lập và hòa bình, là sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và giáo dục truyền thống cho quân, dân và cán bộ trên đảo.

 Giao lưu với bộ đội Biên phòng và Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ

Giao lưu với bộ đội Biên phòng và Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ

Đến với ngọn Hải đăng - là vị trí cao nhất của đảo, giúp quân dân trên đảo xác định hướng và vị trí tàu thuyền, báo hiệu những chướng ngại vật nguy hiểm - chúng tôi được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp giữa đại dương mênh mông sóng nước. Sau một hồi ngắm cảnh trên đảo, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Phong Ba, nơi học tập của con em cư dân sống trên đảo, trao tặng thiết bị dạy học và tủ sách thiếu nhi cho nhà trường. Món quà tuy nhỏ mà thật ý nghĩa, đã động viên kịp thời thầy cô giáo và các em học sinh. Dù trong điều kiện cách trở với đất liền và còn nhiều khó khăn nhưng các cô giáo cùng các em học sinh đã cố gắng vươn lên mang theo bao khát vọng về một cuộc sống mới thật tươi đẹp và căng đầy nhựa sống.

Vòng quanh trên đảo, được giao lưu với các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị ở đây, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của quân và dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tất cả mọi người đều lạc quan và có tinh thần vượt khó. Giữa nắng gió và mênh mông sóng nước, những nụ cười luôn hiện hữu trên từng khuôn mặt, thể hiện một Cồn Cỏ đang vươn mình trỗi dậy.

Đêm trên đảo, chúng tôi tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề: “Hành trình về với Cồn Cỏ yêu thương”, tặng quà cho Đồn Biên phòng và Ban chỉ huy quân sự huyện đảo. Những lời ca tiếng hát hòa chung tiếng sóng, tiếng gió biển ngân vang giữa biển trời Tổ quốc, làm sống lại không khí hào hùng của những năm tháng chiến tranh giữ đảo kiên cường.

Tạm biệt đảo Cồn Cỏ thân thương, mỗi chúng tôi đều mang trong mình những cảm xúc khó tả. Hi vọng một ngày không xa khi chúng tôi trở lại, Cồn Cỏ anh hùng sẽ khoác trên mình tấm áo mới với bao sự đổi thay diệu kì với sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.

Bùi Minh Hiền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=140515