Đến với phiên chợ vùng cao đa văn hóa ở thành phố Lào Cai
Nằm ở ngoại ô thành phố Lào Cai, nơi giáp ranh giữa 2 xã Tả Phời và Hợp Thành có một phiên chợ độc đáo thu hút đông đảo đồng bào thiểu số bản địa cùng người dân thành thị tới thưởng thức, mua sắm. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về, phiên chợ này lại càng đặc sắc, nhộn nhịp hơn.
Phiên họp dịp Tết tại Chợ văn hóa vùng cao Tả Phời – Hợp Thành, thành phố Lào Cai nhộn nhịp lạ thường. Sắc màu cũng hoàn toàn khác biệt bởi nhiều sản phẩm cả năm chỉ xuất hiện đúng dịp này.
Bà Vàng Thị Về, người Giáy ở xã Hợp Thành từ sáng sớm đã mang bánh ra chợ bán. Một gùi đầy, đủ loại bánh chưng đen, chưng xanh, chưng gù; bánh ngô; bánh giày ngọt, giày mặn; bánh vừng đen..., nửa buổi chợ cũng đã vơi đi kha khá. “Bà tự tay làm đấy, làm từ hôm qua, trực cả đêm tới sáng mới xong để kịp mang bán. Ngày thường muốn làm cũng không có thời gian vì còn bận đồng áng”, bà Vàng Thị Về chia sẻ.
Ngồi kế bên bà Về ở một góc chợ là bà Nông Thị Liên, tuổi ngoài 70, vận chiếc áo xẻ nách, đầu đội khăn. Những sản vật bà Liên mang bán cũng toàn của nhà làm ra, gồm bột tro cây núc nác và bột thảo quả để làm bánh chưng đen. Ngoài ra còn bánh cốm gạo rang và một loại hương to chừng ngón tay út, cột thành từng bó lớn như bắp chuối.
“Hương cũng tự tay bà làm, nguyên liệu dùng bột kháo, tăm hương bằng cây mai. Hương của người Giáy to chứ không bé như hương của người Kinh. Khi mang bán bao giờ cũng thắp sẵn một cây để người qua đường biết là hương cháy tốt”, bà Liên chia sẻ.
Ở chợ phiên Tả Phời – Hợp Thành còn có một khu vực dành riêng cho các loại sản vật núi rừng, từ hoa chuối đỏ chỉ thiên, lan rừng cho tới nấm linh chi, tam thất đen… Chị Chẻo Mùi Tén, người Dao đỏ ở Tả Phời mang một bao tải cỏ máu khô và một ôm to cỏ máu tươi đem bán tiết lộ: “Cây này phải vào tận rừng già mới có, đi xa lắm từ sáng đến tối mới về, vì bây giờ nhiều người săn tìm quá nên ngày một hiếm. Chỉ cần bỏ 2 lát vào sắc với nước là ra toàn màu đỏ, uống tốt cho máu. Nhiều người mua lắm, cả hiệu thuốc cũng hỏi mua”.
Chợ phiên Tả Phời – Hợp Thành không chỉ đáp ứng nhu cầu của bà con bản địa, mà còn thu hút rất đông người dân từ các phường trung tâm tại Lào Cai tìm đến. Theo bà Trần Thị Thúy, dù nhà ở cách khá xa nhưng tuần nào cũng phải đi chợ phiên một lần, cuộc sống giờ cũng đủ đầy nên mua sắm chỉ là thứ yếu, thưởng thức không khí là chính.
“Ở đây ngày thường cũng đông nhưng không bằng ngày Tết, với cả Tết có nhiều thứ hơn. Khác với ngoài trung tâm chủ yếu toàn người Kinh thì ở đây là người đồng bào thiểu số. Họ bán cũng không nói thách, trả giá thấp hơn một chút là được”, bà Thúy chia sẻ.
Mỗi tuần, phiên chợ ở ngoại ô thành phố Lào Cai còn lồng ghép nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Riêng phiên cuối năm còn diễn ra các hoạt động nhân đạo như “chợ Tết 0 đồng” để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn. Nhận được giỏ quà tết đầy ắp trên tay, ông Nông Văn Dũng, thôn Tượng 3, xã Hợp Thành bày tỏ: “Nhận được thông báo của Trưởng thôn nên tôi mới tới đây. Gia đình khó khăn, chị gái khuyết tật không đi lại được. Nay nhận được quà tôi rất vui, cảm ơn Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm rất nhiều”.
Theo bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Lào Cai, “chợ Tết 0 đồng” đã trở thành hoạt động thường niên của cấp Hội thành phố, mỗi năm đều tổ chức 2 – 3 phiên, bình quân hỗ trợ khoảng 3.000 suất quà/năm cho các gia đình khó khăn. “Năm nay chúng tôi đã tổ chức 3 chương trình, mong rằng tất cả người dân đều có một cái tết vui vẻ, ấm no”, bà Hân cho hay.
Không chỉ thúc đẩy kinh tế thị trường, chợ Tả Phời – Hợp Thành – chợ phiên duy nhất trong lòng thành phố Lào Cai còn mang giá trị văn hóa rất lớn, vừa góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống, vừa thu hút khách du lịch. Theo ông Bùi Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, vấn đề đặt ra là làm sao giữ được thương hiệu chợ văn hóa vùng cao, gắn với nét đẹp của đồng bào các dân tộc Tày, Giáy, Xa Phó, Dao đỏ…
“Thời gian qua chính quyền địa phương đã có rất nhiều đổi mới trong công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động tại phiên chợ. Chúng tôi cũng đã bố trí một khu vực dành riêng cho đồng bào các dân tộc của 2 xã Tả Phời và Hợp Thành”, ông Đức cho biết.
Khang trang, sạch đẹp, ngày càng được đầu tư, nâng cấp bài bản trên tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng không vì thế mà nét đẹp văn hóa đậm đà hiện hữu trong từng góc nhỏ của chợ phiên Tả Phời – Hợp Thành phôi phai theo thời gian. Đó cũng là những điều đáng quý mà mỗi khách đến đều tranh thủ từng phút, từng giây thưởng thức, để rồi rời đi trong vấn vương, nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về.