Đến với vùng đất lễ hội Gia Lai
Nếu bạn đang có cảm xúc như lời hát: 'Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên/Tôi muốn sống như loài hoa hiền/Tôi muốn làm một thứ cỏ cây/Vui trong gió và không ưu phiền' thì Gia Lai mùa này xứng đáng là nơi đến của bạn. Không chỉ chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên vào mùa đẹp nhất trong năm, du khách còn có cơ hội hòa mình vào không khí hội hè của loạt sự kiện văn hóa thú vị diễn từ ngày 20 đến 22-11.
Không khí hội hè
Ngày 25-11 đánh dấu 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020). Hàng loạt sự kiện văn hóa-du lịch hấp dẫn sẽ diễn ra tại Phố núi Pleiku kỷ niệm sự kiện đặc biệt này. Du khách sẽ được sống trong không khí hội hè với lễ hội cồng chiêng đường phố, có sự trình diễn của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên đến từ các địa phương. Đời sống của cồng chiêng trong dòng chảy văn hóa các dân tộc được tái hiện sinh động tại lễ khai mạc với hàng loạt hoạt động chào mừng, diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Dịp này có 2 triển lãm diễn ra song song từ ngày 20 đến 22-11 tại đường Anh Hùng Núp. Đó là triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; triển lãm ảnh về Căn cứ cách mạng Khu 10 (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình. Đối với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên, triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về không gian văn hóa cồng chiêng là cuộc ngược dòng quá khứ, tìm về những vẻ đẹp được lưu giữ qua ảnh. Triển lãm nhân kỷ niệm 15 năm ngày di sản được vinh danh còn là dịp để nhìn nhận lại dòng chảy và những biến đổi của văn hóa bản địa trong hành trình đi tới. Triển lãm sẽ trưng bày hàng trăm ảnh nghệ thuật, tư liệu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ trong văn hóa, tư tưởng của các dân tộc bản địa mà còn thêm một lần khẳng định giá trị trường tồn của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đối với bạn đọc yêu mến lịch sử văn hóa, cách mạng, triển lãm ảnh về Căn cứ cách mạng Khu 10 và Anh hùng Trần Văn Bình chắc chắn sẽ được tiếp cận với nhiều hình ảnh tư liệu quý giá. Triển lãm tái hiện sống động cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu ở khu căn cứ cách mạng giữa rừng núi hiểm trở Đông Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Những câu chuyện khó tin về Anh hùng Trần Văn Bình hẳn sẽ làm người xem thổn thức bởi tình yêu trong xa cách ông dành cho gia đình nhỏ bé cùng với tình yêu lớn dành cho cách mạng, đất nước, dân tộc.
Trải nghiệm 4 mùa cùng thiên nhiên
Cùng thời điểm với những ngày hội hè ở Phố núi còn có 2 sự kiện được mong chờ nhất trong năm, đó là “Tuần lễ thưởng ngoạn hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya kết hợp phiên chợ nông sản an toàn năm 2020” tại huyện Chư Păh và “Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ nông sản” tại huyện Đak Đoa.
Tuần lễ thưởng ngoạn hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra từ ngày 20 đến 26-11 tại nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya) với nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm như xem biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng. Du khách cũng có thể tham gia các hoạt động thể thao truyền thống như đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố cùng với người dân địa phương.
Ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm được đánh thức không phải bởi dòng nham thạch mà bởi hàng triệu đóa dã quỳ. Bức tranh thiên nhiên mỗi năm chỉ có một lần ấy sẽ không khỏi thôi thúc bước chân du khách tìm về. Cùng với gió đông lành lạnh, thưởng thức đặc sản ẩm thực của người bản địa như gà nướng, cơm lam hay những củ khoai được trồng trên đỉnh núi tươm mật trên bếp than hồng là những cảm xúc đọng lại rất lâu trong tâm tưởng của du khách khi đến với lễ hội này.
Lần thứ tư được tổ chức, ngày hội cỏ hồng gắn với các hoạt động văn hóa-thể thao, ẩm thực tại đồi thông xã Glar (huyện Đak Đoa) cũng đã trở thành mùa hẹn của du khách và người dân trong tỉnh. Đồi cỏ hồng Glar rộng hàng chục héc ta, nằm giữa rừng thông lâu năm đủ dáng hình bon sai, tạo nên bức tranh thiên nhiên mơ mộng. Thời điểm đầu đông, cả đồi cỏ mênh mông rực lên sắc hồng của loài cỏ dại. Cỏ hồng ánh tím dưới hoàng hôn hay rực hồng trong những tia nắng ấm đầu ngày đều là những khoảnh khắc tuyệt đẹp để “săn” những bức ảnh sống ảo.
Không phải ngẫu nhiên mà đây trở thành địa điểm để các cặp uyên ương ghi lại những giây phút hạnh phúc rạng rỡ nhất của mình. Ngoài các hoạt động vui chơi trên đồi cỏ, du khách có thể cắm trại ngủ qua đêm, tham gia hoạt động đốt lửa trại trong khuôn khổ lễ hội. Nhất là có thể tìm hiểu và thưởng thức các sản vật địa phương như khoai Lệ Cần, các loại gạo bản địa; các giống cam, quýt nổi danh trên dải đất hình chữ S tại phiên chợ hàng nông sản. Cùng với những sản vật địa phương, nhiều loại cây trái vốn là đặc sản ở các địa phương cũng đã bén rễ, đơm quả ngọt như một tặng vật làm phong phú thêm cho sản phẩm nông nghiệp trong các phiên chợ, đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng tìm về sản phẩm tự nhiên, an toàn được sản xuất tại chỗ.
Gia Lai đang vào thời điểm đẹp nhất với trăm hoa đua nở, thời tiết biến đổi 4 mùa trong ngày. Sắc vàng của dã quỳ thôi thúc bước chân du khách đến với cao nguyên. Không chỉ có một động hoa vàng ở núi lửa Chư Đang Ya, dã quỳ lúc này đã nở rộ khắp các thung lũng, triền các ngọn núi, nhất là núi Đá hay đỉnh Hàm Rồng-nóc nhà thành phố, cũng là 2 địa điểm tuyệt đẹp để có những bức ảnh lưu niệm đáng giá.
Bên cạnh đó, loài cỏ dại nhỏ bé bị lãng quên suốt một mùa dài lúc này đã đồng loạt thức dậy bạt ngàn sắc hồng li ti nhô lên khỏi mặt đất. Đồi cỏ hồng mênh mông ở Glar hay những dải cỏ hồng dịu dàng trong hoàng hôn ở khu vực rừng thông (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), nơi chỉ cách Phố núi đúng một cây cầu treo, là những nơi đến hấp dẫn nhất vào mùa đông trên cao nguyên.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12399/202011/den-voi-vung-dat-le-hoi-gia-lai-5710364/