Đến Vũ Trọng Phụng cũng... chào thua
Hơn 3 tháng sau khi nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời, tên ông vẫn được nhắc tới hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội (dưới nhiều hình thức thể hiện). Nhưng điều đáng buồn là thay vì được nhắc nhớ về những thành tựu của một đời gắn bó với sân khấu cải lương thì ông lại là tâm điểm cho những tranh giành liên quan đến tiền bạc của những người trong gia quyến của mình.
Câu chuyện nổ ra giữa Hồng Loan (con gái nghệ sĩ Vũ Linh) và Hồng Phượng (cháu gái ông) cùng những người đứng sau lưng Hồng Phượng (là các em ruột của Vũ Linh) được đẩy lên như một tấn bi hài không đáng có, một tấn bi hài đủ sức làm tổn thương thanh danh của Vũ Linh cũng như những ai yêu mến ông nói riêng; yêu mến cải lương nói chung.
Cái tấn bi hài ấy, nếu như cụ Vũ Trọng Phụng có hồi sinh thì có lẽ cụ cũng chào thua bởi những gì cụ hình dung trong tiểu thuyết lừng danh "Số đỏ" (chương "Hạnh phúc của một tang gia") cũng chẳng thể đạt tới tầm. Xưa nay, chuyện thân gia quyến thuộc tranh giành gia sản cũng không phải là chuyện hiếm hoi gì, nhưng mang nhau ra thiên hạ đấu tố đến mức độ ấy thì họa chăng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi.
Cái đáng suy ngẫm nhất trong kịch tính "Loan-Phượng" này chính là việc một người thân của nghệ sĩ Vũ Linh (ở bên phe của Hồng Phượng) đã kêu gọi hảo tâm từ khán giả để hỗ trợ cho việc tang ma. Và chỉ khi những tranh giành nổ ra, với khối tài sản mà Vũ Linh để lại, nhiều người mới ngã ngửa ra khi biết rằng hoàn cảnh của gia đình Vũ Linh đâu có eo hẹp như nhiều nghệ sĩ khó khăn khác. Trong khi ngoài xã hội, nhiều gia đình vẫn thông báo "miễn chấp điếu" vì không muốn thân nhân của mình còn vướng lại nợ nần gì cõi trần này thì người thân của Vũ Linh lại không cho ông được thanh thản ra đi khi sử dụng tên tuổi ông cho một lần "lĩnh cát sê cuối cùng". May thay, Hồng Loan, con gái ông, đã phát hiện ra việc kể trên và thể hiện ý chí quyết liệt sẽ trả lại các nhà hảo tâm những gì mà họ chuyển tới gia quyến để hỗ trợ tổ chức đám ma.
Nhưng việc kêu gọi hảo tâm chưa phải là tất cả. Hợp đồng truyền thông cho đám ma Vũ Linh cũng đã mở ra một khái niệm mới trong showbiz chăng? Việc tang gia, vốn dĩ rất cần sự tĩnh lặng để tưởng nhớ, lại được truyền thông bằng một hợp đồng khủng với một đơn vị đang vướng mắc rất nhiều trong các tranh chấp bản quyền với khá nhiều nhạc sĩ. Tất cả cho thấy cái méo mó đến đáng sợ của thế giới giải trí đại chúng hiện nay và nó cũng làm tổn hại đến danh dự của rất nhiều nghệ sĩ có tâm, có đức trong nghề.
Cải lương vốn dĩ đã và đang trải qua một giai đoạn dài gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường. Vậy thì những câu chuyện bi hài tới mức Vũ Trọng Phụng cũng phải... chào thua như câu chuyện này chỉ đem tới những khó khăn mới cho cải lương mà thôi. Đơn giản, khán giả có còn nhìn vào sân khấu như thánh đường hay không, khi chính những người đang mang danh nghệ sĩ lại sử dụng tên tuổi của mình cũng như của người khác như một món hàng, kể cả khi món hàng ấy liên quan đến một chuyện buồn như chuyện tang ma.