Đeo bám thông tin, theo đến cùng để đưa sự việc ra ánh sáng
Sở hữu nhiều bài viết có chất lượng về lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên trong mỗi lần tác nghiệp đều luôn tâm niệm phải đeo bám thông tin, theo đến cùng cho đến khi các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đưa sự việc ra ánh sáng.
Giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 là phần thưởng xứng đáng dành cho quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi ấy.
Vượt qua cám dỗ
Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên - Báo Bảo vệ pháp luật - được biết đến là cây bút chuyên viết về lĩnh vực nội chính, tư pháp và phóng sự. Thời kỳ còn công tác tại Báo Pháp luật & Xã hội, anh đã từng nhiều lần đạt giải Báo chí Ngô Tất Tố và gần đây nhất là giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với loạt bài “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn”. Trong gần 20 năm làm báo, mảng đề tài phá rừng, khai thác trái phép tài nguyên, bảo vệ môi trường luôn được anh quan tâm đặc biệt, dành nhiều thời gian công sức, dù vẫn biết đây là mảng đề tài luôn tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm khó lường trong tác nghiệp.
Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn cũng vậy, đầu tháng 4/2023, qua theo dõi thông tin hằng ngày trên báo, anh nhận thấy một số tờ báo đưa tin về vụ việc này nhưng tất cả đều chỉ đăng thông tin ban đầu với nội dung rất ngắn gọn. Tiếp tục theo dõi, vài ngày sau không thấy các tờ báo đã đăng tin ban đầu tiếp tục thông tin về vụ phá rừng, xác minh, làm rõ các đối tượng phá rừng, nguyên nhân rừng bị chặt phá, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội… bằng nhãn quan nghề nghiệp, anh nhận thấy trong vụ việc này có điều gì đó không bình thường.
Câu hỏi được anh đặt ra là: Liệu thông tin có bị “chìm xuồng”? Với mong muốn tin bài phản ánh sâu về vụ phá rừng này phải nhanh chóng được truyền tải đến công chúng, nhằm góp phần tìm ra “lỗ hổng”, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đề xuất biện pháp khắc phục, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, Hồng Nguyên đã báo cáo đề tài với lãnh đạo phòng, Ban biên tập và đề xuất xin được đi thực tế để tìm hiểu kỹ về vụ việc. Được sự đồng ý của cấp trên, từ 4 giờ sáng anh đã một mình di chuyển lên tỉnh Bắc Kạn để kịp buổi làm việc với lãnh đạo xã – địa phương có rừng bị chặt phá trái phép vào 8 giờ sáng hôm đó.
Sau khi làm việc với lãnh đạo xã, anh được Chủ tịch UBND xã cử cán bộ công an xã dẫn anh xuống hiện trường. Từ bên ngoài đi vào hiện trường, chỉ có con đường duy nhất là đi qua một công ty chuyên khai thác, chế biến khoáng sản. Khi đến cổng công ty này, đồng chí cán bộ công an xã đề nghị nhân viên bảo vệ mở barie để dẫn phóng viên vào rừng theo yêu cầu của cấp trên. Tuy nhiên, khi biết anh là nhà báo muốn đi vào hiện trường rừng bị chặt phá trái phép thì nhân viên bảo vệ công ty đã ngăn cản, không cho đi qua. Cả lãnh đạo huyện đã phải can thiệp, gọi điện cho lãnh đạo công ty này yêu cầu mở cổng để anh đi qua nhưng cũng không được.
Càng bị cản trở anh càng muốn được tiếp cận hiện trường. Khu vực rừng bị chặt phá trái phép được quy hoạch là rừng sản xuất, trạng thái là rừng tự nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu muốn khai thác, chặt hạ một cây gỗ tự nhiên ở khu rừng này thì trình, xin ý kiến và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Bị người của doanh nghiệp cản trở tác nghiệp, anh phải nhờ người dân địa phương tìm một con đường khác. Sau khi được một thổ dân điều khiển xe máy chở đi hàng chục km, anh tiếp tục đi bộ cả km nữa để leo lên một sườn núi - là vị trí gần nhất với hiện trường vụ phá rừng. Từ đây, anh sử dụng flycam để ghi nhận hiện trạng cảnh rừng bị chặt phá. Trong suốt quá trình đó, người của phía doanh nghiệp liên tục gọi điện cho anh xin được gặp gỡ để xin không viết bài về vụ phá rừng.
Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và bị cản trở tác nghiệp nhưng tôi vẫn muốn tận mắt được chứng kiến hiện trường, nhằm thu thập những hình ảnh chân thực nhất về vụ phá rừng để chuyển tải tới công chúng. Về phía doanh nghiệp, họ tìm mọi cách để cản trở việc tôi tiếp cận hiện trường. Thậm chí, họ còn dùng nhiều mối quan hệ là một số đồng nghiệp và cả người có chức quyền gọi điện cho tôi để can thiệp, cản trở tôi thâm nhập thực tế và tiếp cận với các cơ quan chức năng, đồng thời dùng tiền bạc để mua chuộc tôi, xin tôi tạo điều kiện, giúp đỡ, không viết bài. Tuy nhiên, tôi đều khéo léo từ chối và vượt qua những cám dỗ vật chất”.
Khi đối tượng sợ không dám gặp nhà báo…
Dấn thân, thâm nhập thực tế, phỏng vấn lấy tư liệu rồi từ đó, loạt bài 5 kỳ “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” lần lượt được ra đời. Quá trình triển khai loạt bài được anh chuẩn bị kỹ càng, các tư liệu, hình ảnh đều được xác minh cẩn thận. Theo đó, nhằm bóc trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn của đối tượng chủ mưu trong vụ phá rừng, đồng thời cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của một số người dân vì cả tin nên đã bị lợi dụng, bị người khác thuê để khai thác gỗ, anh đã phải mất rất nhiều thời gian mới có được số điện thoại của một số người đang bị coi là “lâm tặc”. Khi nghe điện thoại của anh, những người này đều sợ không dám gặp nhà báo.
Không hề nản, anh tiếp tục gọi điện nói chuyện với họ từ cuộc sống gia đình vợ con, anh em, ruộng vườn, chăn nuôi và công việc lúc nông nhàn... rồi anh chia sẻ về nghề báo mình đang làm, nhiệm vụ của nhà báo là đấu tranh với cái xấu, bảo vệ lẽ phải, đảm bảo công bằng... cuối cùng, anh đã thuyết phục được những người đang bị coi là “lâm tặc” gặp anh để cung cấp thông tin, họ được ai giới thiệu đi làm, công việc, tiền công, quá trình làm trong công ty đi ra, đi vào như thế nào, có những ai biết, được ai chỉ đạo… Theo những người này, họ được giới thiệu đến làm cho công ty đã được cấp phép khai thác gỗ, chứ bản thân không thể ngờ được rằng, họ được thuê để làm điều phạm pháp.
Nói về ngày đầu tiên triển khai loại bài này, nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ: “Trong ngày đầu tiên đi thu thập thông tin, tài liệu, hình ảnh, tôi bị số máy lạ gọi đến nhiều lần, đề nghị dừng triển khai bài viết, việc này khiến tôi bị phân tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc. Tối hôm đó, để phòng tránh bất trắc, tôi không nghỉ lại ở trung tâm huyện mà di chuyển khoảng 50 km để ra ngoài thành phố. Khi tôi lái xe ra đến đầu thành phố thì bất ngờ có một chiếc xe ô tô 7 chỗ, màu đen vượt lên, ép xe tôi dừng lại. Một người bước xuống xe, tiến lại gần xe tôi đề nghị được gặp tôi, trình bày một số vấn đề liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, đồng thời đưa “quà” để xin tôi giúp đỡ bằng việc không viết bài. Tuy nhiên, tôi đã khéo léo từ chối”.
Loạt bài 5 kỳ “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” không chỉ thông tin đơn thuần về vụ phá rừng mà tác giả còn đi sâu phản ánh đối tượng chủ mưu cùng động cơ, mục đích, phương thức thủ đoạn phá rừng, làm rõ nguồn gốc đất rừng, việc mua bán đất rừng trái pháp luật… đây chính là “lỗ hổng” trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương này và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc rừng bị chặt phá trái phép; đồng thời còn phản ánh trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Có thể nói, đối với phóng viên điều tra, khi triển khai đề tài, đi cơ sở thâm nhập thực tế, điều quan trọng nhất là phải dám dấn thân, tinh thần lạc quan, vô tư trong sáng; cố gắng thu thập thông tin, tài liệu, hình ảnh chân thực, chi tiết nhất theo từng vụ việc, đảm bảo việc tác nghiệp đúng quy định pháp luật… Đó cũng chính là “chìa khóa” để nhà báo Hồng Nguyên có được những bài viết chất lượng, tìm được lời giải cho những bài toán, góp phần vào công cuộc kiến tạo xã hội, phụng sự Nhân dân.